“Cứ với cách giảng dạy như hiện tại, lớp con cháu của chúng ta sẽ thất nghiệp trong vòng 30 năm tới. Nói về những công việc liên quan tới tính toán, máy móc luôn làm tốt hơn con người”. Đó là lời khẳng định của Tỉ phú Jack Ma, nhà sáng lập hãng thương mại điện tử Alibaba.
Cách mạng 4.0 sẽ khiến công việc ít đi
“Cách mạng Công nghiệp 4.0” đang diễn ra tại nhiều nước phát triển. Nó mang đến cho nhân loại cơ hội để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo được nhận định sẽ hiện diện khắp mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Có thể đưa ra những ví dụ như: Những chiếc xe tải không người lái đã vận hành trơn tru tại các mỏ khoáng sản ở Tây Úc vài năm nay. Tại Mỹ, Uber đã thử nghiệm xe tải không người lái giao hàng xuyên tiểu bang. Chức năng lái tự động (autopilot) đã được triển khai đại trà trên nhiều mẫu xe hơi, từ tất cả các nhà sản xuất xe lớn. Các chuyên gia Trí tuệ Nhân tạo tin rằng xe robot sẽ càng lúc càng tối ưu và phổ biến đến một lúc mà con người sẽ bị cấm điều khiển xe. Đơn giản bởi vì 90% các vụ tai nạn hiện nay là do lỗi tài xế…
Mặt trái của Cách mạng Công nghiệp 4.0 là nó có thể gây ra sự bất bình đẳng. Đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải.
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã đặt ra vấn đề này theo các giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu tiên sẽ là thách thức với những lao động văn phòng, trí thức, lao động kỹ thuật. Giai đoạn tiếp theo sẽ là lao động giá rẻ, có thể sẽ chậm hơn. Với sự chuyển động của cuộc cách mạng này, trong khoảng 15 năm tới thế giới sẽ có diện mạo mới, đòi hỏi các doanh nghiệp thay đổi. Hệ lụy từ cách mạng công nghiệp 4.0 có thể đẩy hàng triệu lao động vào tình trạng thất nghiệp. Tại Diễn đàn kinh doanh toàn cầu vừa được tổ chức tại New York, Jackma cũng nhấn mạnh tới một vật cản lớn: Ông không tin phương pháp giáo dục hiện tại của thế giới phù hợp với công việc thực tế trong tương lai của thế hệ trẻ.
“Cứ với cách giảng dạy như hiện tại, lớp con cháu của chúng ta sẽ thất nghiệp trong vòng 30 năm tới. Nói về những công việc liên quan tới tính toán, máy móc luôn làm tốt hơn con người”. Vì vậy, nếu không muốn con mình thậm chí ngay cả chính bạn trở thành “nạn nhân” trong cuộc cách mạng này bạn cần thay đổi tư duy dạy con ngay từ bây giờ.
>> Xem thêm: Bí quyết giúp con học giỏi mà không cần đi học thêm
Sự học trong nền văn minh, hiện đại
Cơ hội cũng là thách thức, để đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực trong cuộc cách mạng 4.0 đòi hỏi người lao động cũng phải…4.0. Nghĩa là thay vì lao động giản đơn, các doanh nghiệp sẽ đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao hơn, trình độ cao hơn. Muốn thế, phải luôn đổi mới và sáng tạo. Đó cũng là giải pháp được tỷ phú Jackma đưa ra: “Chúng ta phải dạy lớp con cháu của mình rất rất đổi mới và sáng tạo. Chỉ bằng cách như vậy, chúng mới có việc làm”.
Khi nói về trí thông minh nhân tạo, dù rất thực tế nhưng Jack Ma cũng có chút lạc quan. “Công nghệ mới sẽ cướp đi rất nhiều việc làm. Tuy nhiên nó cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm mới. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có sẵn sàng và đủ trình độ đáp ứng cho những công việc mới này hay không”.
Cách mạng công nghiệp lần 4 mang đến cơ hội, và cũng đầy thách thức với nhân loại. Vì vậy, hãy chuẩn bị sẵn sàng ngay từ bây giờ để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức ấy!
>> Xem thêm: Thế hệ Z: Những công dân sẽ định nghĩa lại giáo dục?