Tại sao các học sinh trung bình lại bị coi là “dốt” hơn mọi người? Có cách nào để vượt qua được việc đó không? Nếu bạn là người đang muốn vươn lên trong học tập thì hãy đọc bài viết dưới đây.
1. Các vĩ nhân cũng “đội sổ”
Trong lịch sử, rất nhiều người thành công đã từng có quá khứ thất bại ê chề. Họ là những học sinh “hạng bét” ở trường: điểm kém, thi trượt và thậm chí còn bị coi là chậm phát triển trí tuệ. Đó là những cái tên mà không ai không biết tới như Albert Eistein, Thomas Edison, Winston Churchill, George W.Bush, và thậm chí là nhà khoa học đoạt giải Nobel Y học gần đây – John Gurdon…
Điều quan trọng chính là việc họ không từ bỏ trước sự kém cỏi của bản thân. Chính vì thái độ không chịu đầu hàng trước khó khăn, họ đã vươn lên và trở thành những người xuất sắc nhất.
“Thành công đòi hỏi sự đam mê, sự kiên trì, trí tuệ cảm xúc và kĩ năng có thể hiểu cũng như biết quý trọng thất bại” – Trích lời nhà vật lý thiên văn nổi tiếng Neil deGrasse. Thực ra, liên tục thành công không hẳn luôn là một điều tốt. Chính ra những người thất bại và dám thất bại nhiều nhất, mới là những người có lòng can đảm nhất, đồng thời cũng là những người học hỏi được nhiều nhất.
Bởi vậy, việc học dốt cũng chẳng phải điều gì đáng xấu hổ. Chỉ cần bạn không quản ngại khó khăn, liên tục vượt qua chính mình, ắt sẽ có ngày gặt hái thành công.
2. Tại sao lại dốt?
Albert Einstein đã từng nói: “Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây của nó, nó sẽ sống cả đời mà tin rằng nó thực sự kém cỏi”.
Trên thực tế, mỗi người chúng ta đều có những khả năng nổi trội ở ít nhất một lĩnh vực nào đó. Khả năng tiềm ẩn của mỗi người có thể rất khác nhau. Tuy nhiên, khi đến trường, chúng ta lại bị gò bó vào một chương trình học chung cho tất cả mọi người, và bị đánh giá năng lực dưới những tiêu chuẩn giống nhau.
Do đó, sẽ có những người giỏi, và sẽ có những người kém hơn. Mặc dù vậy, điều này không đồng nghĩa với việc những người bị đánh giá kém là những kẻ vô dụng, hay không có bất cứ tài năng nào. Chỉ đơn giản là họ không thích nghi được với môi trường vốn không dành cho họ.
3. Làm sao hết dốt?
Như bên trên đã đề cập, nhiều học sinh có học lực kém là do bản thân họ khó thích nghi với việc học tập trên trường. Để có thể thích nghi, họ cần nhiều thời gian nghiên cứu chương trình học hơn so với những người khác. Do vậy, một việc làm cần thiết đối với những học sinh này chính là học trước chương trình.
Tuy nhiên hiện giờ, dường như ai ai cũng học thêm, thậm chí học thêm cả vào hè để chạy trước chương trình. Nếu như các học sinh bình thường đã học với tần suất cao như vậy, thì các học sinh có học lực trung bình lại càng phải cố gắng nhiều hơn nữa, thậm chí bắt đầu chương trình học sớm hơn cả những người khác. Bằng không, vào năm học, các học sinh này sẽ bị đuối và không thể theo kịp bạn bè.