Có không ít tác nhân cản trở teen 2k3 trên hành trình chinh phục kỳ thi tuyển sinh vào 10. Mất tập trung là một trong những kẻ thù chính. Vậy làm thế nào để khắc phục…. Bài viết này sẽ giúp teen 2k3 “tiêu diệt” kẻ thù đó.
Nguồn gốc của sự mất tập trung
Có 3 nguyên nhân chính làm bạn mất tập trung khi học:
Nguyên nhân đầu tiên và khá phổ biến đó là tác động từ các yếu tố khách quan như:” ồn ào hoặc đang học bài thì có người làm phiền,…
Thứ 2, bạn thiếu kỉ luật và kiên định để có thể tập trung vào bài vở. Đương nhiên lúc đó bạn sẽ tìm đến những việc nhẹ nhàng, dễ dàng để giải trí như lướt facebook, nghe nhạc và việc học bị bỏ lại
Cuối cùng, một số bạn không tập trung vào việc học do không có cho mình những mục tiêu cần đạt được và phương pháp học hiệu quả nên chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Điều này dễ nảy sinh tâm lý chán nản. Vậy mới nói, muốn chữa được “căn bệnh” mất tập trung trước tiên hãy tìm ra nguyên nhân để từ đó đưa ra giải pháp cụ thể.
Bí quyết tiêu diệt sự mất tập trung
1. Xác định rõ ràng tầm quan trọng của việc học
Xác định được mục đích và các ưu tiên trong công việc là yếu tố cốt lõi giúp bạn thành công trong bất kì công việc nào. Nếu việc học là quan trọng thì tại sao bạn lại dành quá nhiều thời gian cho ăn, ngủ, chơi, bạn bè,… mà không đầu tư thời gian để học?
Việc không xác định rõ tầm quan trọng của việc học làm bạn dễ rơi vào tình trạng tự “cho phép” mình quyền được “nghỉ ngơi”, bỏ dở công việc giữa chừng đôi khi không vì lý do gì cả!
2. Lập kế hoạch cho ngày mới
Không xác định được hôm nay bạn phải làm những gì cũng là nguyên nhân quan trọng khiến bạn mất tập trung. Đó là lí do khiến nhiều khi bạn đang làm việc này nhưng bạn lại giật mình nhớ ra mình đang có một việc khác chưa làm. Chính vì vậy việc lập kế hoạch trước khi bắt đầu một công việc là hết sức quan trọng.
Bạn hãy dành một chút ít thời gian của tối hôm trước, trước khi đi ngủ để đánh dấu các công việc của ngày hôm sau. Một cuốn sổ tay hay một cuốn lịch để bàn sẽ giúp bạn đánh dấu những việc quan trọng. Hãy vận dụng và điều chỉnh linh hoạt kế hoạch của mình!
3. Có cho mình những mục tiêu nhỏ cụ thể
Bạn hãy lập danh sách tất cả những việc mà bạn cần phải làm, sau đó chia nhỏ đối tượng công việc thành những phần nhỏ hơn, dễ hoàn thành hơn. Nhưng đừng nên quá khắt khe với bản thân, hãy tạo những mục tiêu học tập và trao giải cho chính mình nếu bạn cán đích thành công.
Ví dụ: Mục tiêu môn toán thi vào lớp 10 là 8 điểm( không khó để lên được cấu trúc đề thi dựa vào đề thi các năm trước). Cấu trúc đề thi có 7 điểm phần đại số, 3 điểm phần hình học trong đó có câu hỏi nâng cao 2 điểm. Như vậy cần loại câu này. Với các bài còn lại làm theo thứ tự từ dễ đến khó. Câu 1 sẽ là phần nhân chia đa thức 1 điểm, câu 2, câu 3,…lần lượt với các câu còn lại, ta tập trung ôn phần nào chắc phần đó. Mục tiêu 8 điểm không khó phải không nào
4. Tạo không gian học tập
Không gian học tập phù hợp sẽ đảm bảo quá trình tập trung học tập, giúp bạn có thêm động lực và hứng khởi học hành. Bạn nên tạo một không gian học tập thoáng mát, thoải mái, gọn gàng…
Đó có thể là một góc trong thư viện, một góc bếp, phòng học riêng,…Bất kì vị trí nào bạn thấy yên tĩnh, thoải mái nhất có thể.
5. Lựa chọn thời gian học phù hợp
Lựa chọn cho mình thời gian phù hợp để học tập là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn tập trung học tập. Mỗi người có một khoảng thời gian phù hợp nhất để học tập. Đó là lí do tại sao có lúc bạn học rất dễ vào, rất dễ thuộc bài, lúc thì học lại thấy khó chịu, không vào.
Có bạn thích học vào ban đêm, có bạn lại thích học vào sáng sớm,…Học lúc nào là tùy bạn thôi, miễn là bạn thấy đó là thời điểm bạn học “vào” nhất.
6. Sắp xếp các môn học hợp lý
Hãy sắp xếp các môn học cho mình một cách hợp lí nhất có thể. Bạn nên đan xen nhiều môn học nếu học trong khoảng thời gian dài( tốt nhất là từ 3 đến 4 môn). Việc này sẽ giúp bạn thấy không bị nhàm chán.
Ví dụ như trong thời gian 3 tiếng, bạn nên xen kẽ 3 môn học, mỗi môn khoảng 1 tiếng. Tuy nhiên, khi học xong 1 môn nên dành khoảng 5 phút để nghỉ ngơi thư giãn giúp đầu óc thoải mái nhé!
7. Tìm phương pháp học hiệu quả
Một phương pháp học hiệu quả không chỉ giúp bạn nhanh chóng hoàn thành công việc mà còn giúp bạn đỡ tốn công sức hơn nhiều đấy.
Có rất nhiều phương pháp được chia sẻ trên mạng, qua bạn bè, thầy cô,…Tuy nhiên đừng lầm tưởng, đó chỉ là phương pháp của họ thôi. Chỉ bạn mới biết mình phù hợp với phương pháp nào nhất. Và hãy coi đó là nguồn tài liệu tham khảo rồi sáng tạo nó sao cho phù hợp với mình nhất!
8. Bỏ điện thoại xuống và đừng ăn uống khi học
Những chiếc điện thoại thông minh và đồ ăn vặt không hề giúp gì bạn trong lúc học đâu mà nó còn làm bạn xao nhãng trong lúc học tập.
Bạn hãy tắt nguồn, ngắt internet và những thứ không cần thiết khi học đi rồi xem hiệu quả đến đâu nhé.
9. Khắc phục các lý do khách quan
Các lý do khách quan luôn diễn ra khi ta không lường trước được, nó làm ta thường bị mất tập trung, xao nhãng trong lúc học.
Ví dụ như đang học bài thì có bạn bè đến rủ đi chơi, vừa học thì điện thoại có tin nhắn…Tuy vậy, bạn cần ấn định khoảng thời gian để học bài, trong khoảng thời gian này bạn chỉ làm 1 việc duy nhất- học, trừ khi có việc rất quan trọng
10. Học với thái độ tích cực
Chắc chắn rồi, bạn cần tích cực trong mọi việc chứ không chỉ học đâu. Cảm xúc tích cực sẽ mang lại cho bạn hưng phấn trong học tập và tất nhiên rồi, kết quả sẽ tốt hơn nhiều so với việc lúc nào cũng “Chắc mình không thể học giỏi được”, “Mình ghét việc học hành”… tất cả những suy nghĩ tiêu cực này sẽ trì hoãn việc học của bạn và gây xao nhãng trong lúc học.
Tóm lại, việc khắc phục sự mất tập trung phụ thuộc phần lớn vào sự nỗ lực của bản thân các bạn. Hãy xác định rõ đâu là yếu tố chính làm mình sao nhãng việc học tập để tìm biện pháp khắc phục phù hợp nhất với mình nhé! Chúc bạn thành công!
<< Xem thêm: