HOCMAI Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, tuyển sinh 2016 sẽ xét tuyển tập trung tất cả các trường đại học dùng kết quả thi THPT để tuyển sinh nhằm đảm bảo minh bạch công tác tuyển sinh, giúp các trường khắc phục tình trạng thí sinh ảo… tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn lo lắng về cách thức này.
Xét tuyển tập trung tất cả các trường đại học trên toàn quốc
Theo báo Dân trí ngày 9/5, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, nhóm xét tuyển theo mô hình này là các trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Phương án xét tuyển tập trung tất cả các trường đại học nhằm giải pháp giải quyết căn bản tình trạng thí sinh ảo như năm 2015 nhưng vẫn đảm bảo công tác tuyển sinh công bằng, minh bạch; đảm bảo chất lượng tuyển sinh dựa trên nguồn lực thực tế của trường.
Theo ông Trinh việc làm này không vi phạm quyền tự chủ của các trường đại học trong tuyển sinh. Đây chỉ là giải pháp kỹ thuật chứ không phải Bộ ôm việc làm thay các trường, hay độc quyền khai thác dữ liệu.
Ông Trinh cho rằng, để xét tuyển chung, Bộ đã chủ động xây dựng phần mềm xét tuyển chung và đã chạy thử với dữ liệu giả định. Sau khi có kết quả ĐKXT (đăng ký xét tuyển) năm 2015, tổ kỹ thuật đã chạy thử với số liệu thực tế. Kết quả cho thấy việc xét tuyển chung là hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật. Với phương thức xét tuyển chung, thí sinh (TS) có thể trúng tuyển vào ngành theo nguyện vọng phù hợp nhất với kết quả của mình.
Trước khi thông tin này được công bố, thông tin nhóm GX do ĐH Bách Khoa chủ trì xét tuyển theo nhóm đã khiến nhiều sĩ tử bớt hoang mang, nhóm nhỏ như GX có còn tồn tại? ông Trinh cho rằng xét tuyển tập trung thực chất là xét tuyển cho một nhóm lớn hơn nhóm tuyển sinh như nhóm do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì-GX.
Vì vậy, không cần thiết phải tồn tại các nhóm nhỏ như GX và các nhóm khác nữa, tất cả các nhóm này sẽ nhập vào cùng một nhóm chung toàn quốc.
Kết quả ĐKXT của TS, thông tin tuyển sinh các trường (ngành/nhóm ngành, chỉ tiêu, các tiêu chí xét tuyển…) cùng toàn bộ kết quả thi của TS đã được quản trị tập trung tại một cơ sở dữ liệu duy nhất. Sau khi đã hoàn thiện CSDL xét tuyển, công tác xét tuyển được thực hiện tập trung ở Bộ nhờ hệ thống phần mềm, không đòi hỏi gì thêm về hạ tầng công nghệ thông tin ở các trường.
Sau khi có kết quả xét tuyển, TS trúng tuyển vào từng trường sẽ được phần mềm xác định, các trường có thể chủ động tải kết quả xét tuyển về từ hệ thống, giống như việc tải dữ liệu ĐKXT về để xét tuyển như cách xét tuyển riêng rẽ trước đây (nhưng dung lượng tải sẽ nhỏ hơn vì chỉ gồm các TS trúng tuyển). Với phương thức này, các trường không phải lo lắng về phần mềm xét tuyển của trường mình.
Mặt khác, theo quy chế tuyển sinh, thí còn có thể nộp ĐKXT qua đường bưu điện. Trong tình huống xấu, nếu TS không thể ĐKXT trực tuyến, TS có thể ĐKXT theo các phương thức khác theo quy định của trường.
Để tránh rủi ro cho TS, dự kiến hệ thống ĐKXT trực tuyến sẽ đóng trước (dự kiến một ngày) để những TS chưa đăng ký được còn có thời gian để đăng ký theo các phương thức còn lại.
“Bằng các giải pháp này theo Bộ GD-ĐT sẽ đảm bảo không để xảy ra tình trạng có thí sinh không thể ĐKXT được. Năm nay Bộ GD&ĐT chủ động tính toán và chuẩn bị kỹ các điều kiện về hạ tầng cần thiết đáp ứng nhu cầu ĐKXT trực tuyến của TS cũng như các hoạt động tuyển sinh của các trường để giảm thiểu tối đa tình trạng nghẽn mạng” – ông Trinh khẳng định.
Tự nguyện xét tuyển tập trung
Trước thông tin, những nhóm nhỏ như nhóm xét tuyển GX không cần tồn tại nữa, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội – đơn vị chủ trì thành lập nhóm xét tuyển GX cho hay, việc Bộ đứng ra chủ trì mở rộng xét tuyển nhóm lớn là rất tốt, chúng tôi ủng hộ chủ trương này vì thực chất là mở rộng tuyển sinh theo nhóm. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tham gia xét tuyển nhóm chung của Bộ.
Được biết, hiện nay, nhóm tuyển sinh GX do trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì với 11 thành viên đang chờ ý kiến của Bộ GD-ĐT.
Ông Trần Mạnh Dũng, trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng – một thành viên trong nhóm xét tuyển GX cho biết, Bộ đã có giải pháp chống ảo bằng phần mềm xét tuyển chung thì các trường hay nhóm trường không cần thiết phải lo lắng và tìm giải pháp cho vấn đề này nữa.
Theo ông Dũng, mục đích của việc lập ra nhóm trường cùng xét tuyển chung chỉ là để “lọc ảo”. Hơn 10 trường làm một nhóm hay cả nước là một nhóm (với hàng trăm trường) cũng giống nhau về mục tiêu và cách thức. Việc tất cả các trường sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển đại học đều sử dụng phần mềm xét tuyển chung do Bộ chủ trì là cần thiết vì nó giải quyết được vấn đề chung mà trường nào cũng rất quan tâm là “khắc phục thí sinh ảo”, vừa đảm bảo lợi ích cho thí sinh là theo đuổi ngành nghề yêu thích.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, việc xét tuyển chung như vậy, về quy mô lớn đến mấy thuật toán vẫn có thể giải quyết, nhưng tính phong phú, da dạng trong phương thức xét tuyển của các trường (tiêu chí sơ tuyển, tiêu chí phụ khi xét tuyển …) là những vấn đề đặt ra và cần có phương án xử lý cụ thể.
Cũng có ý kiến trái chiều cho rằng, năm 2015 cũng đã có nhiều ý kiến là xét tuyển theo phần mềm toàn quốc để giảm “ảo”. Tuy nhiên, không được sự đồng ý nên cho phép các trường thành lập xét tuyển theo nhóm. Nay, khi đã hình thành nhóm xét tuyển chung rồi bộ lại cho đưa ra phương án xét tuyển chung toàn quốc.
Với cách thay đổi phương án xét tuyển đột ngột như vậy của Bộ GD&ĐT, nhiều người cho rằng, việc thành lập xét tuyển theo nhóm toàn quốc cũng cần phải có lộ trình chuẩn bị. Bây giờ bộ kiểm soát toàn bộ phần xét tuyển nhằm mục đích tránh “ảo” cho toàn bộ hệ thống là rất tốt nhưng vấn đề là thực hiện như thế nào và liệu tất cả các trường có bắt buộc phải vào nhóm xét tuyển toàn quốc?.
“Việc vào nhóm này không được “cưỡng chế” mà phải trên tinh thần tự nguyện nếu không sẽ phạm luật vì hiện nhiều trường có đề án tuyển sinh ngoài trường, tuyển sinh riêng thì phải tôn trọng họ. Các trường tự nguyện thống nhất thì sẽ thành công, còn một số trường có đề án tuyển sinh riêng tách ra thì nhóm xét tuyển toàn quốc này sẽ mai một dần đi, không hiệu quả” – Chia sẻ của một cán bộ tuyển sinh.