Trong bức thư thứ nhất viết cho cô con gái chuẩn bị lên lớp 9, ông bố 7x đã kể cho con ký ức về cuốn vở 5 hào 2 gắn liền với thời học sinh cấp 2 của mình và cách quản lý môn Toán “thần kỳ”. Đây là phương pháp đã được anh áp dụng trong suốt những năm cấp 3 và ngay cả khi đã là sinh viên đại học.
Kể về cuốn vở 5 hào 2, ông bố viết:
“Cuốn vở 5 hào 2 sở dĩ được gọi với cái tên như vậy vì nó được bán với giá 5 hào 2, là cuốn vở không thể thiếu của mỗi học sinh thời đó. Vở 5 hào 2 là một loại vở thếp có kích thước lớn hơn quyển vở ô ly, không được đóng thành quyển mà chỉ là những tập giấy xếp lại với nhau, trang vở có các dòng kẻ ngang, nhưng không có lề. Không giống như những quyển vở được thiết kế đẹp đẽ, màu mè như bây giờ, học sinh khi ấy mua về phải tự đóng quyển, có người thì khâu, có người thì ghim lại bằng dây thép rồi đóng bìa, rồi bọc, rồi mới dán nhãn vở…
Cũng từ cuốn vở này, mà một phương pháp quản lý bài toán hiệu quả đã được cô giáo của bố nghĩ ra: Vì vở 5 hào 2 không có lề, nên trước khi viết, cô giáo dạy toán của bố yêu cầu học sinh phải kẻ 1 cái lề. Chiều rộng của lề bằng chính chiều rộng của chiếc thước kẻ nhựa bản to. Riêng vở bài tập toán, các bạn học sinh phải chia thêm cái lề đó thành 3 cột nhỏ đều nhau.
Dòng đầu tiên của cột lề sẽ điền 3 dữ liệu vào 3 cột nhỏ: Ngày/tháng/năm. Ví dụ: 03/05/2017.
Dòng thứ hai của cột lề điền 3 dữ liệu vào 3 cột nhỏ: Tên bài tập/Trang trong sách bài tập/Tên sách bài tập. Ví dụ: 1/12/SBTToán8 (Nghĩa là bài tập số 1, trang 12, SBT Toán 8).
Dòng thứ ba của cột lề chỉ điền 1 dữ liệu vào cột nhỏ thứ 3: Thứ tự bài tập trên quyển vở bài tập đó.
Mỗi một ngày làm bài tập sẽ chỉ điền 1 lần dữ liệu đầu tiên. Nhưng hai dữ liệu còn lại đều cần được điền mỗi khi làm một bài tập mới tiếp theo. Hai dữ liệu này được ghi ở lề và thẳng hàng với bài tập làm trong vở.
Việc kẻ lề và chăm chỉ ghi dữ liệu vào đó là điều rất cần thiết, nó dạy chúng ta cách tìm các bài tập sau khi đã làm xong, khi ôn tập, khi đã kết thúc học kỳ, hoặc khi đã làm kín quyển vở bài tập toán đó.
Trong việc học toán, khi chúng ta đã giải đúng 1 bài, gặp bài đó trong lúc ôn tập, quay trở lại tìm nó trên vở bài tập, nhớ được các con số (dữ liệu) gắn với nó, con sẽ không bao giờ quên bài tập và dạng bài đó cả. Cô giáo của bố có một trí nhớ siêu việt. Ví dụ: Bài tập về quỹ tích nằm ở trang nào trong sách bài tập cô sẽ nói luôn và thêm một câu: Mời các bạn mở sách bài tập trang….và nếu bạn nào đã làm bài tập đầy đủ thì trên vở bài tập của các bạn thì bài toán đó sẽ có thứ tự, chỉ việc mở ra ôn lại sẽ rất nhanh.
Với bố, bố luôn thích nhớ dữ liệu thứ 3 là số thứ tự của bài tập đó trên quyển vở bài tập toán bởi vì nó giúp bố nhắc nhớ lại thành quả mà mình đã làm được, số thứ tự đó càng lớn, càng chứng tỏ mình chăm chỉ và làm được nhiều bài tập.”