Tư vấn: những phần quan trọng để nắm chắc 8 điểm môn Hóa

Vào lúc 20h-22h tối thứ 4 ngày 16/03/2014, Thầy Vũ Khắc Ngọc đã giải đáp hàng trăm câu hỏi mà các bạn học sinh đã gửi về chương trình Tăng tốc cho kỳ thi THPT QG môn Hóa học. Trong bài viết dưới đây, Hocmai xin tổng hợp lại những thắc mắc mà các bạn đã gửi đến cho Hocmai và lời giải đáp của thầy Vũ Khắc Ngọc.

Xem nội dung tư vấn của thầy Vũ Khắc Ngọc tại ĐÂY!

Hỏi: Thầy ơi hiện tại em là học sinh 13, năm 2015 em thi môn hóa được 6,5 điểm. Năm nay em quyết định thi lại nhưng hiện tại kiến thức của em còn rỗng nhiều quá, em tham gia khóa học PEN-C và PEN-I của thầy nhưng chỉ mới hoàn thành đc ít. PEN-C em chỉ mới học được 2 chuyên đề, còn mấy chuyên đề khác em từng học năm ngoái cũng có 1 ít kiến thức nhưng cũng mai một nhiều. Do không còn nhiều thời gian nên em đã đi giải đề. Khi giải đề của thầy còn nhiều phần em chưa làm được. Tình hình không khả quan cho lắm với mục tiêu em đặt ra ban đầu là 8,5 điểm. Thầy có thể cho em lời khuyên cũng như sắp xếp thời gian học sao cho hợp lý để tăng điểm số không ạ?

Thầy Ngọc: Chào em, trước tiên là thầy phải trách em ngay, tại sao lớp 13 rồi mà giờ này mới học được 2 chương của PEN-C. Trong khi lẽ ra giờ này em đã phải ôn xong tương đối rồi! Nên nhớ rằng lớp 13 nghĩa là em đã đánh mất 1 năm của tuổi trẻ để phấn đấu cho ước mơ vào Đại học, mà 1 năm của tuổi trẻ là vô giá em ạ! Chưa kể là kết quả năm ngoái của em (6.5) là không hề tốt chút nào. Tất nhiên là giờ này có trách móc, có nuối tiếc cũng không để làm gì nữa, vấn đề của em bây giờ là khá nghiêm trọng nhưng cần phải bình tĩnh để giải quyết. Tạm thời đừng nghĩ tới việc Luyện đề vội, trước tiên hãy tập trung học thật tốt khoá PEN-C để lấy lại các kiến thức nền tảng đã. Em nên học chuyên đề 1 và chuyên đề 5 (các kiến thức nền tảng của Hoá học Vô cơ và Hữu cơ), sau đó cố gắng học hết toàn bộ các kiến thức của chương trình Hoá học 12. Cuối cùng, trước khi thi thì cố gắng làm ít nhất 5-10 đề của PEN-I và xem lại đề thi chính thức của Bộ những năm trước nhé. Hãy cố gắng, nỗ lực ngày đêm không ngừng nghỉ em nhé. Hy vọng em vẫn sẽ đạt được mục tiêu mình mong muốn. Chúc may mắn.

Hỏi: Thầy cho e hỏi muốn được 6 điểm hóa thì nên ôn những phần nào ạ?

Thầy Ngọc: Đối với môn Hóa, gần như không thể giới hạn được là “6 điểm thì học phần nào”, “9 điểm thì học phần nào”, …. bởi cấu trúc đề thi là phân bố đều tất cả các phần kiến thức, chưa kể trong mỗi phần lại có rất nhiều kiểu bài tập, kiểu câu hỏi ở các mức độ khác nhau 🙂 Về cơ bản, kể cả mục tiêu của em là 6đ thì em vẫn phải học tất, chỉ là bỏ qua những dạng bài tập khó, những kiểu câu hỏi khó (ví dụ như các câu Đếm) thôi. Dĩ nhiên là nếu thời gian không có nhiều thì em có thể tập trung nhiều hơn vào 1 phần nào đó, ví dụ chỉ học chương trình lớp 12 thôi, thì vẫn có thể hy vọng điểm 6 được.

Hỏi: Em là học sinh lớp “14”, em mới ôn lại được tầm 1 tháng thôi, do lâu rồi không học nên quên mất rồi nhất là với môn hóa, em cảm tưởng như mới học lần đầu vậy, tiêu biểu là phần bài tập, còn lý thuyết thì em nhìn đến đâu là nhớ lại kiến thức cũ đến đó. Thầy tư vấn cho em làm sao để lấy lại kiến thức giải bài tập với ạ, và sắp tới học mãi có khóa pen m môn hóa của thầy nhưng lại là dành cho N3 vậy với người quên sạch cách giải bài tập như em có nên, có thể đăng ký khóa đó để học không ạ ?

Thầy Ngọc: Thứ nhất là thầy không hiểu sao em đã là học sinh lớp 14 rồi mà đến giờ này mới ôn thi lại được 1 tháng – quá khó và quá lãng phí, em đã đánh mất 2 năm vô giá của tuổi rẻ rồi đấy 🙂 Thứ hai là với tình hình kiến thức hiện tại của em thì em chỉ nên học PEN-C N2, thậm chí phải lược bỏ qua 1 số nội dung khó thì mới kịp ôn tập và cũng chỉ có thể hy vọng tới điểm 6, điểm 7 thôi. Khóa PEN-M của thầy là dành cho những bạn có mục tiêu 8đ trở lên, thầy nghĩ nó không phù hợp với em.

Ảnh: Thầy Vũ Khắc Ngọc

Hỏi: Em được biết năm nay Bộ ra đề thi “mang tính ứng dụng, thực tế” cao hơn. Vậy nghĩa là sẽ đánh mạnh vào phần lý thuyết, hỏi những phần ứng dụng của các chất đúng ko ạ? Cho em hỏi thầy luôn là đề thi THPT QG thì phần Lý thuyết có nằm trong vùng câu hỏi vận dụng cao ko ạ? Có nên dành nhiều thời gian để đào sâu lý thuyết ko thầy? Em xin cảm ơn thầy nhiều ạ.

Thầy Ngọc: Câu hỏi của em có tới mấy ý và thầy xin trả lời thế này:
1 – Đừng quá lo lắng về câu chữ trong phát biểu của Bộ GD, thực tế là nhiều năm trở lại đây trong đề thi đều có 1-2 câu hỏi về ứng dụng của các chất (năm ngoái là 2 câu). Em có thể yên tâm là tất cả các ứng dụng này đều đã có trong SGK và đề chỉ hỏi những gì đã được viết trong SGK. Tuy nhiên, do phần “ứng dụng” và “trạng thái tự nhiên” của các chất là phần mà trên lớp các thầy cô thường không nhấn mạnh và các bạn cũng lười đọc SGK nên có thể nhiều bạn “lơ mơ” và không làm tốt. Em chú ý đọc thêm SGK là được.
2 – Theo cách hiểu của người ra đề thì trong đề thi môn Hóa, câu hỏi “vận dụng cao” – lấy điểm 9-10 thường là bài tập khó, ít khi là Lý thuyết. Tuy nhiên, trong đề vẫn có những câu lý thuyết thuộc loại khó như “Đếm số phản ứng”, “Đếm số phát biểu đúng/sai”, …. mà các em cần phải giải quyết. Nên ưu tiên cho lý thuyết, nếu mục tiêu của em là 8-9đ, vì thực sự là để ăn điểm 1 câu lý thuyết, cho dù là lý thuyết đếm chất hay đếm số phát biểu cũng dễ dàng hơn nhiều so với việc giải 1 bài tập dài – khó và phức tạp.

Thay Vu Khac Ngoc

Hỏi: Chào thầy. Em đã tham gia 2 khóa học của thầy là PEN-C và Pen-I-N2 của thầy. Em cực kì thích PEN-I của thầy vì nó giúp em tổng hợp được kiến thức và mở mang thêm được nhiều vấn đề. Mục tiêu của em là 8.5-9đ ạ,em học cũng tầm kha khá thôi ạ. Vậy theo thầy em nên đăng kí thêm khóa PEN-I N3 hay chờ khóa PEN-M ạ nếu như em chỉ được chọn 1 trong 2. Em rất mong thầy trả lời câu hỏi của em. Em cảm ơn thầy nhiều.

Thầy Ngọc: Trước tiên em cần phải học thật tốt PEN-I N2 đã nhé, nếu mục tiêu của em là 8,5 – 9 thì việc học thêm khóa N3 là cần thiết nhưng nếu chỉ được lựa chọn 1 trong 2 thì thầy khuyên là học thêm PEN-M sẽ giúp cho em trở nên toàn diện hơn nhé. Chúc em học tốt và có kết quả như ý!

 Hỏi: Chào Thầy. Em muốn hỏi bây giờ ôn lại thì cần bắt đầu như thế nào? Em không biết bắt đầu từ đâu. Em thấy rất ngại khi mà ôn lại. Vậy không biết thầy có cách nào để ôn tập lại một cách nhanh và có hiệu quả không? Em mong sẽ sớm nhận được câu trả lời của thầy.

Thầy Ngọc: Giờ mới nói đến chuyện bắt đầu ôn thi là rất muộn, trừ phi kiến thức nền tảng của em vẫn còn tốt. Nhìn chung thì không có cách nào để ôn thi “nhanh và hiệu quả” đến mức vài tháng mà có thể đạt được ngay kết quả tốt được. Em cần xác định rằng nếu thực sự quyết tâm thi lại thì giờ em sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần người khác – những người đã dành hàng năm nay để ôn thi. Cần phải học ngày, học đêm, học bất cứ khi nào có thể em nhé. Về lộ trình thì hãy bắt đầu từ chuyên đề 1 và chuyên đề 5 của PEN-C N2 – để nắm bắt những kiến thức nền tảng quan trọng nhất của vô cơ và hữu cơ, sau đó mới dần dần học tới các kiến thức khác được. Hãy kiên trì ôn tập với PEN-C từ giờ tới lúc thi bằng tất cả sức lực. Ngoài ra, trước khi thi em có thể tham khảo thêm 1 số đề của PEN-I để hình dung ra quá trình làm bài thi.Thầy hy vọng và chúc em vẫn sẽ dành được kết quả khả quan trong kỳ thi tới.

Hỏi: Hiện em đang theo học khóa PEN-C của thầy. Em học được khoảng 60% khóa học, theo em nhận thấy sự thay đổi rõ ràng 1 cách tích cực về kiến thức của em về môn Hóa so với trước đây. Lúc mới là học sinh lớp 11 em rất ngại môn hóa thậm chí không muốn tiếp cận môn đó nữa trong khi em lại theo học khối B. Nhưng đến lớp 12 em biết đến khóa học của thầy thì cho đến bây giờ thì e cũng cảm thấy rất tự tin về kiến thức. Tuy nhiên khi làm đề em cảm thấy rất bối rối chắc là kĩ năng tổng hợp kiến thức của em không tốt. Vì vậy Thầy có thể cho em lời khuyên và những kinh nghiệm khi làm bài để em có thể đạt được thành tích tốt về môn hóa trong kì thi sắp tới được không ạ? Em cảm ơn Thầy.

Thầy Ngọc: Vấn đề em gặp phải có lẽ cũng là vấn đề khá phổ biến của nhiều bạn khác. Lưu ý là khóa PEN-C trang bị kiến thức theo từng đơn vị bài học nên có thể em còn chưa giỏi trong việc tổng hợp kiến thức và thiếu kỹ năng làm đề. Để giải quyết tình trạng này, trước tiên em cần cố gắng dành thời gian để học xong dứt điểm khóa PEN-C đã, trong quá trình học cố gắng kết hợp với việc ôn tập, tổng hợp, tổng kết, liên hệ lại các kiến thức với nhau. Sau đó, em nên rèn luyện các kỹ năng giải đề thi với khóa PEN-I. Chúc em mau tiến bộ và có kết quả tốt trong kỳ thi tới.

Hỏi: Phần các bài toán đốt cháy Peptit thầy có thể hướng dẫn cho bọn em những phương pháp giải được không ạ? Trong khóa Pen C thầy mới nói sơ sơ thôi ạ!

Thầy Ngọc: Trong mấy năm gần đây, bài tập peptit thường được chọn là bài tập phân hóa ở mức 9-10đ trong đề thi, tương đương như câu Bất đẳng thức trong đề thi môn Toán. Do đó, nó không phải là bài tập dành cho số đông, em không cần quá nặng nề việc phải giải được nó nếu mục tiêu của em không phải là “chắc chắn phải >9đ”. Trong khóa PEN-C thầy đã trang bị cho các bạn những phương pháp giải toán và những nguyên tắc giải toán cơ bản để giải quyết bài tập về peptit, chỉ cần vận dụng linh hoạt các phương pháp đó thì các em đã hoàn toàn có thể giải được bài tập khó về peptit. Tuy nhiên, để các em có thêm cơ hội thực hành với các bài tập Peptit khó, cũng như làm quen với một số phương pháp đặc biệt khác hỗ trợ cho việc giải các bài toán loại này, trong khóa PEN-M thầy sẽ thiết kế riêng 1 bài giảng đặc biệt về phương pháp giải các bài tập khó về peptit nhé.

Hỏi: Thầy ơi, cho em hỏi 2 câu như sau:
1. Đề thi đại học thường ra một số câu vận dụng về hình vẽ các thí nghiệm điều chế các chất, vậy làm sao có thể biết được chất cụ thể trong thí nghiệm đó ?
2. Em thường không làm được những câu điểm 9-10 ở một số đề. Một số bạn học trường khác thì em thấy giải những câu đó rất nhanh, chỉ cần hơn 60 phút đã có thể làm xong một đề hoá. Trong khi em thì phải dùng hết thời gian 90 phút mà vẫn chưa ra một vài câu. Thầy hãy tư vấn cho em để giải quyết những câu đó!!!

Thầy Ngọc: 
1 – Đối với các câu hỏi có sử dụng hình vẽ thí nghiệm thì em cần nhớ là đề thi – về cơ bản – sẽ chỉ sử dụng các hình vẽ trong SGK thôi. Do đó, trước tiên là em cần phải xem kỹ lại các hình vẽ trong SGK để xem các quá trình, các phản ứng xảy ra trong thí nghiệm đó là gì? Tại sao người ta lại bố trí thí nghiệm như thế? Nếu thay đổi cách bố trí thì kết quả sẽ thay đổi thế nào? Trong quá trình nghiên cứu các hình vẽ trong SGK, em cũng cần ghi chú lại những điểm cần chú ý và nhớ một số vấn đề mang tính nguyên tắc như: khí thu bằng phương pháp đẩy nước phải có đặc điểm gì (không tan trong nước), thu bằng phương pháp đẩy không khí phải có đặc điểm gì, …
2 – Những câu 9-10 điểm là những bài tập khó, có sự kết hợp phức tạp của nhiều dữ kiện ở nhiều dạng toán khác nhau. Để làm nhanh và tốt các câu hỏi/bài tập loại này thì em cần phải luyện tập thật nhiều (cả bài tập và đề thi) để hình thành thói quen và bản lĩnh sẵn sàng đối mặt với nó. Quá trình luyện tập cũng giúp em tích luỹ thêm kinh nghiệm để nhận biết ra các phương pháp biến đổi bài toán sao cho nhanh nhất và phù hợp nhất. Em cũng nên lưu ý là có những vấn đề mang tính nguyên tắc mà dù bài khó hay bài dễ cũng đều nghiệm đúng, ví dụ như các dấu hiệu giải toán chăng hạn, …. trong quá trình giải các bài tập khó thì các dấu hiệu mang tính nguyên tắc này sẽ là chìa khoá ban đầu để em có thể “mở toang” bài toán ra.

Đọc thêm giải đáp thắc mắc về môn Vật lí kì thi THPT QG của thầy Đặng Việt Hùng.

760x100 gd1 v2

Tải ứng dụng HOCMAI

HOCMAI miễn phí nhiều khóa học bổ trợ – đề thi thử – phương án học tập và ôn luyện bứt phá 9+ đanh cho học sinh lớp 1-12. Tải & hoàn thành đăng ký tài khoản để nhận ngay những khóa học bổ trợ miễn phí!