Cách viết mở bài môn Văn lấy lòng giám khảo chấm thi

Đối với đề bài dài, vấn đề được gửi gắm trong một mẩu truyện, bài thơ, hoặc trích đoạn bài báo… thì phần mở bài học sinh không nên trích dẫn toàn bộ ngữ liệu mà phải phân tích kỹ để khái quát nên vấn đề cần giải quyết trong 1-2 câu văn ngắn gọn.

Mở bài không chỉ có ý nghĩa đảm bảo cho bài văn có một cấu trúc hoàn chỉnh mà còn có nhiều ý nghĩa khác. Một mở bài ngắn gọn, súc tích, gọi tên được vấn đề và có sức lôi cuốn không chỉ tạo tiền đề cho người viết triển khai mạch văn một cách dễ dàng mà còn tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với người chấm.

Vậy làm thế nào để có một mở bài đáp ứng được những tiêu chí trên? Dưới đây là một số chia sẻ của thầy Đặng Ngọc Khương – giáo viên môn Văn Hệ thống Giáo dục HOCMAI.

Thầy Đặng Ngọc Khương (giáo viên môn Ngữ Văn Hệ thống Giáo dục HOCMAI)

Trước khi mở bài hay, cần mở bài đúng

Nhiệm vụ của một mở bài là đặt vấn đề/nêu vấn đề mà bài văn cần phải xử lý/giải quyết. Hiểu được như thế đồng nghĩa với việc dù ta có chọn cách mở bài nào đi chăng nữa cũng không được xa rời nhiệm vụ của mở bài. Thực tế chấm thi, không ít học sinh mở bài rất dài, rất hay, rất lôi cuốn nhưng không có điểm vì không nêu được vấn đề cho bài văn.

Sau khi xác định được nhiệm vụ của mở bài, bước tiếp theo là phải làm thế nào để nhiệm vụ đó được triển khai một cách hoàn hảo nhất. Nên nêu vấn đề một cách gián tiếp hay trực tiếp, đơn giản hay kỳ công… là một câu hỏi lớn.

Nếu mở bài chỉ xác định được vấn đề cần giải quyết và nêu trúng vấn đề đó thì mới đảm bảo được tiêu chí đúng và trúng mà chưa thỏa mãn được tiêu chí hay và hấp dẫn.

Nên có cách mở bài riêng, phù hợp với yêu cầu của đề bài

Với kiểu bài nghị luận xã hội (thường là nghị luận về một tư tưởng đạo lý hoặc bài học đời sống), cần lưu ý không nên nêu trực tiếp vấn đề mà nên đặt vấn đề đó vào một phạm vi rộng hơn để dẫn dắt.

Chẳng hạn để yêu cầu trình bày suy nghĩ về vấn đề: Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông thì chúng ta nên mở bài bằng cách nêu lên những vấn đề chung về văn hóa ứng xử hoặc vấn đề chung về lĩnh vực giao thông rồi mới dẫn đến vấn đề trực tiếp. Hay đề bài yêu cầu bình luận về đức tính trung thực của con người thì chúng ta phải dẫn dắt từ những phẩm chất tốt đẹp của con người nói chung…

Ngoài ra, đối với những đề bài dài, vấn đề được gửi gắm trong một mẩu truyện, bài thơ, hoặc một trích đoạn bài báo… thì ở phần mở bài học sinh không nên trích dẫn toàn bộ ngữ liệu mà phải phân tích kỹ đề bài để khái quát nên vấn đề cần giải quyết trong 1-2 câu văn ngắn gọn.

Đối với dạng đề nghị luận văn học, vấn đề mở bài trở nên phong phú hơn bởi chúng ta có nghị luận văn xuôi, nghị luận thơ, nghị luận kịch, ký… và trong mỗi dạng bài nghị luận gắn với thể loại ta lại chia nhỏ hơn. Chẳng hạn, nghị luận thơ chúng ta có nghị luận cả bài; nghị luận một đoạn hay so sánh đoạn này với đoạn khác… Nghị luận văn xuôi ta có nghị luận về đoạn văn, về nhân vật, về chi tiết…

Với dạng đề nghị luận về một đoạn thơ/đoạn văn, cách mở bài gián tiếp về cơ bản gần giống như mở bài nghị luận về một tác phẩm, đó là: Dẫn dắt từ đề tài, chủ đề; sau đó đến tác phẩm (khẳng định đó là tác phẩm tiêu biểu của tác giả nói chung và giai đoạn/phong trào nói riêng, hoặc khẳng định nét riêng của tác phẩm); tiếp đến là dẫn đến đoạn thơ/đoạn văn được phân tích (khẳng định đó là phần thể hiện nổi bật giá trị nội dung tư tưởng và những thành công đặc sắc về mặt nghệ thuật…”.

Trước khi mở bài hay, hãy biết cách mở bài đúng. Đầu tư thời gian hợp lý để viết một mở bài đúng, hay là cách “lấy lòng” người chấm bài, giúp bài thi phần nào được ưu ái và cho điểm cao hơn.

Thầy Đặng Ngọc Khương

(Giáo viên Ngữ Văn – Hệ thống Giáo dục HOCMAI)

 

Tải ứng dụng HOCMAI

HOCMAI miễn phí nhiều khóa học bổ trợ – đề thi thử – phương án học tập và ôn luyện bứt phá 9+ đanh cho học sinh lớp 1-12. Tải & hoàn thành đăng ký tài khoản để nhận ngay những khóa học bổ trợ miễn phí!