Học Toán để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 là một quá trình dài hơi và căng thẳng, đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó và quyết tâm cao độ. Tuy nhiên, nếu bạn nắm vững và áp dụng đủ 7 lưu ý sau trong quá trình luyện tập, bạn đã có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức trong hành trình đạt điểm cao trong kỳ thi Toán tyển sinh vào lớp 10 rồi đấy. Cùng tìm hiểu đó là 7 lưu ý gì mà ” quyền lực” như vậy nhé!
1. Bài đầu tiên trong đề thi thường là rút gọn biểu thức. Với bài toán này, thứ các bạn cần chú ý nhất là điều kiện. Nếu đề đã cho rồi thì ta phải nhắc lại, còn chưa cho thì ta phải đi tìm. Với những câu hỏi phụ trong bài toán rút gọn, lưu ý khi làm xong các bạn phải kết hợp điều kiện. Rất nhiều bạn đi thi thường hay quên bước này và mất điểm oan đấy. Chỉ cần nhớ được “mẹo vặt” đơn giản này, bạn đã góp phần lớn trong hành trình đạt điểm cao trong kỳ thi Toán của mình rồi đấy
2. Tiếp theo là phần giải bài toán bằng cách lập phương trình hoặc hệ phương trình. Việc đầu tiên cần làm là đọc kĩ đề, nếu đề bài yêu cầu “giải bài toán sau bằng cách lập phương trình” thì ta chỉ được đặt một ẩn (bạn nào đặt 2 ẩn rồi giải hệ sẽ không được tính điểm).
4. Một phần cũng rất quan trọng đó là phương trình bậc hai và Parabol kèm câu hỏi phụ. Các bạn cần học kỹ những ứng dụng của định lí Viét, những bài toán về tương giao giữa đường thẳng và Parabol. Lưu ý điều kiện có nghiệm của mỗi bài toán và kết hợp điều kiện ở cuối bài.
5. Phần Hình học, ý đầu thường là chứng minh tứ giác nội tiếp. Để làm nhanh, hãy quan sát từ những dấu hiệu đơn giản nhất trước (có 2 góc đối nào cùng vuông không, sau đó thử xem có 2 đỉnh liên tiếp nào nhìn đoạn còn lại dưới 1 góc vuông không,…). Hướng dễ chưa được ta mới thử sang những hướng khó hơn.
Ý thứ hai của bài hình thường là chứng minh hệ thức về cạnh trong tam giác, hoặc tính số đo với những dữ kiện cho trước (thường dùng tam giác đồng dạng, hệ thức lượng trong tam giác vuông, hoặc khó hơn là áp dụng định lí Talet, tính chất tỉ lệ thức, tính chất dãy tỉ số bằng nhau…).
Với ý thứ ba (được coi là câu điểm 9), thông thường sẽ xoay quanh vấn đề về góc trong đường tròn. Muốn làm tốt câu này, trước tiên các bạn nên nhìn lại những ý trước, quan sát xem có kết quả nào (vừa chứng minh được ở trên) có thể áp dụng được hay không. Và hãy lưu ý, những tứ giác nội tiếp sẽ sinh ra nhiều góc bằng nhau, bù nhau. Những tam giác vuông, tam giác cân, những đường đặc biệt (trung tuyến, phân giác, đường cao) sẽ tạo ra nhiều mối quan hệ cần thiết. Kết nối chúng với nhau, hướng tới điều phải chứng minh, các bạn sẽ thu được lời giải.
6. Trước khi đến với hai câu cuối (đại khó, hình khó mỗi câu 0,5 điểm) thì các bạn cần kiểm tra lại thật kĩ kết quả cũng như cách làm những ý trên. Muốn trên 9 thì phải nắm chắc điểm 9 trong tay đã.
7. Câu đại khó (được coi là câu điểm 10) thường là giải phương trình, hệ phương trình hoặc bất đẳng thức và cực trị. Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây thì đề của Hà Nội đều rơi vào câu bất đẳng thức và cực trị. Do tính phân loại tốt của dạng toán này nên có lẽ năm nay vẫn sẽ như vậy.
Với câu này, các bạn cần nhớ được các bất đẳng thức phụ (hay các bổ đề) thông dụng như AM-GM (Côsi) hay Bunhiacopxki, Mincopxki… Sau đó là tập cách quan sát, suy nghĩ. Hãy tự đặt câu hỏi là nhìn vào bài toán ta nghĩ tới bổ đề nào? Với bổ đề đó, ta sẽ áp dụng ra sao? (thường giả thiết hoặc kết luận sẽ cho một vế và các em phải suy ra vế còn lại). Và hãy để ý tới dấu bằng của bài toán, đây là chìa khóa quan trọng của lời giải.
Còn các anh/ chị khóa trước, các bạn đã là thế nào để đạt điểm cao trong kỳ thi Toán tuyển sinh vào lớp 10? Hãy chia sẻ cho mọi người nhé!