Cũng đã từng thi lại và đạt kết quả cao trong kì thi lần thứ 2, tân sinh viên đã học như thế nào để cải thiện điểm số so với lần thi trước?
Cần có định hướng rõ ràng và bắt đầu học lại từ kiến thức căn bản
Sai lầm của hầu hết học sinh lớp 13 là bắt đầu ôn thi lại một cách thiếu định hướng. Bắt đầu ôn thi từ những kiến thức mà năm 2015 chưa kịp ôn thi hay chỉ chú trọng những kiến thức khó vì mong muốn cải thiện điểm số… sẽ dễ dẫn đến tâm trạng chán nản khi ngay từ đầu đã khó tiếp thu kiến thức vì quá mới, quá khó trong khi không còn nhớ kiến thức cũ và dễ.
Sau một năm ôn thi lại, Bùi Thị Phương Thảo (SV năm nhất HV Kỹ thuật Công an Nhân dân) chia sẻ:“Năm thứ nhất, bản thân em khá sốt ruột, chỉ muốn ôn thi thật nhanh để dành nhiều thời gian luyện tập nên kiến thức bị nhồi nhét khiến em không thể nhớ lâu và áp dụng được kiến thức. Đến năm thứ 2, một phần vì đã xác định tâm lí khá thoải mái và rút kinh nghiệm từ năm ngoái, em học nhẹ nhàng hơn, dành thời gian học kĩ SGK, bắt đầu từ kiến thức dễ, không tham những kiến thức khó vì nó sẽ khiến em hoang mang. Em thấy đề thi năm 2015 có số lượng câu dễ, trung bình nhiều hơn những năm trước. Vì thế, nếu chú tâm học kĩ kiến thức này thì việc giành trọn 6 điểm trong 70 phút đầu tiên là không khó”.
Cùng ý kiến với Thảo, Hoàng Thị Việt Hường (SV năm 2 Đại học Y Dược Huế) cho biết: “Thực ra nói là bắt đầu học từ SGK thì dễ thế nhưng mỗi lần học SGK đều rất ngại vì cứ cảm giác mình biết rồi và cảm giác tốn thời gian thế nào đó (cười). Vì thế, tuyên ngôn của mình là không được nản chí, không được nản lòng. Thú thật, sau khi nắm vững kiến thức căn bản, việc tiếp thu kiến thức cũng dễ dàng hơn rất nhiều, làm bài tập cũng không mắc sai lầm ngớ ngẩn như năm 2013. Theo mình, quan trọng nhất là cần có lộ trình ôn thi lại và tuân thủ lộ trình đó”.
Sắp xếp thời gian biểu hợp lí, tránh học nhồi nhét
Vì áp lực và chạy theo trào lưu nên học sinh lớp 13 thường có lịch học kín mít. Tự học, học ở rất nhiều lò luyện khác nhau, học online, học nhóm. Thời gian học ở lò luyện quá nhiều mà không có thời gian thẩm thấu dễ khiến kết kiến thức trôi đi nhanh chóng mà không đọng lại gì trong đầu. Chưa kể đến, sức khỏe và tinh thần khó lòng đảm bảo.
Ôn thi lại đến năm thứ 3, Nguyễn Bảo Trâm (SN năm 1 Đại học Phòng cháy Chữa cháy) đưa ra lời khuyên chân thành cho bạn: “Năm thứ nhất và năm thứ 2, mình đều đăng kí luyện thi ở trung tâm luyện thi cách nhà 15km. Bản thân không thể chủ động và không biết nên ôn tập kiến thức như thế nào. Thời gian ở trung tâm nhiều hơn ở nhà và mình có rất ít thời gian để ôn tập lại và vận dụng kiến thức. Cả 2 năm, dù đã cố gắng và tốn rất nhiều công sức nhưng kết quả không như mong muốn. Mình đã rất nản và muốn buông xuôi. Nếu như được quay lại 2 năm trước, mình sẽ cố gắng tìm cách học hiệu quả hơn”.
Lộ trình kiến thức tham khảo dành cho học sinh lớp 13
Khi đã học qua các kiến thức và ôn lại thì đó sẽ là 1 lợi thế, nhưng lại tạo ra 1 chút rào cản. Bởi, điều này dễ làm ta chủ quan, luôn cảm thấy cái gì cũng đã biết nên rất chểnh mảng. Để tránh tình trạng “éo le” này, theo kinh nghiệm của sinh viên, quan trọng nhất là có lộ trình ôn tập hợp lí và tuân thủ lộ trình đó. Tân sinh viên cũng “mách nước” 4 giai đoạn ôn thi cần tuân thủ.
Trong đó, để bắt tay giai đoạn 1 và giai đoạn 2, học sinh cũng có thể tham khảo lộ trình xuất bản bài giảng của PEN-C 2016. Dù không đăng kí khóa học, lộ trình này vẫn là tài liệu tham khảo bổ ích cho học sinh.