Đẩy lùi nỗi sợ hãi mang tên Dòng điện xoay chiều

Đối với nhiều bạn thì chương Dòng điện xoay chiều là một nỗi sợ hãi. Vì sao như vậy và phải học như thế nào để đập tan nỗi sợ hãi này? Bằng kinh nghiệm đã trải qua và nhiều năm giảng dạy, thầy Phạm Văn Tùng sẽ giúp bạn cách thức và phương pháp học tập hiệu quả  chương khó nhằn này.
Dòng điện xoay chiều – nỗi sợ hãi của nhiều học sinh
Vì sao Dòng điện xoay chiều lại là nỗi sợ hãi?
Theo thầy Phạm Văn Tùng, dòng điện xoay chiều mặc nhiên trở thành nỗi sợ hãi của rất nhiều học sinh bởi vì những lí do chủ quan và khách quan mà chính bạn cũng không ngờ tới.
– Theo “dớp sợ hãi” cũ: Bản thân học sinh học lớp 11 thường gặp khó khăn khi học kiến thức điện tích – điện trường ở học kì I nên vô thức hình thành một nỗi sợ kiến thức liên quan đến điện. Lâu dần trở thành một nỗi sợ hãi.
– Chưa có phương pháp học đúng đắn dẫn đến có thể làm những dạng bài giáo viên đã chỉ còn những dạng khác thậm chí tương tự là “móm”.
– Đây là chuyên đề chiếm số lượng câu hỏi nhiều nhất trong đề thi. Năm 2015, 12 câu hỏi phân bố đều ở 4 mức độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Đặc biệt, những câu hỏi mức độ khó thường rất dài, nhiều dữ kiện và dễ nhầm lẫn.
Vậy học thế nào đây, thầy Phạm Văn Tùng sẽ chỉ ra cách học theo logic bài học trong sách giáo khoa cơ bản Vật lí lớp 12 để bạn tìm được đúng hướng đi chinh phục chương khó nhằn này. Cùng theo dõi nhé!
Bí quyết chinh phục Dòng điện xoay chiều
Bài: Đại cương dòng điện xoay chiều
Ở bài học này, bạn chỉ nên học các đặc điểm của cường độ dòng điện, hiệu điện thế và chú ý quan hệ độ lệch pha giữa chúng (sau này biện luận hộp kín). Còn lại, phần nguyên tắc tạo ra dòng điện xoay chiều nên để dành học ở máy phát điện xoay chiều 1 pha và 3 pha.
Các dạng bài phần này chủ yếu khai thác tính chất điều hòa của u với qua phương trình điều hòa (hiểu đơn giản là lấy lại các dạng đại cương dao động điều hòa: x ↔ i ↔ u như thời điểm, thời gian, giá trị tức thời, số lần, …) Bạn nào hổng phần dao động điều hòa thì chỗ này ngán lắm (nên học theo đường tròn pha).
Chú ý thêm dạng bài đồ thị hình sin để nhỡ có “đá” vào các mạch không bị ú ớ nhé!
Thầy Phạm Văn Tùng và học trò
Bài: Các mạch điện xoay chiều
Ở bài này, bạn cần nhớ được công thức xác định cảm kháng và dung kháng ngay từ lúc này. Nên nhớ phần tụ điện, còn cái còn lại tự sẽ tự nhớ, đừng “tham” mà một lúc nhớ cả 2 nha. Bạn phải tưởng tượng được uR cùng i, uL mình lên, uC dí xuống (chính là giản đồ pha). Nhớ được bản chất rồi thì cần phải biết đại lượng nào sớm pha, trễ pha và cụ thể ra sao. Nếu đọc tới đây mà chưa nhớ hoặc hiểu thầy đang khuyên gì thì xác định mở ngay SGK Vật lí 12 CB trang  76 ngay và luôn nhé!
Sau khi học 2 phần tử thì nâng cấp lên 2 phần tử bằng cách tổng hợp vectơ chung gốc hoặc nối đuôi, nắm vững công thức tổng trở, đặc điểm pha giữa u với i để biện luận sau, nhớ được hệ thức tức thời để làm dạng 3 phần tử là đẹp.
Bài: Mạch có R, L, C mắc nối tiếp
Với dạng bài này, bạn cần để ý kĩ về giản đồ pha, từ phần này sẽ bắt đầu nhiều công thức loạn xạ rồi. Đừng dại dột, máy móc để nhớ cả tá công thức đó, chỉ cần vẽ hình ra, còn lại pitago hay tan hoặc cos là tùy bạn sử dụng mà 🙂
Ngoài ra, cần chú ý độ lệch pha giữa u với i để biện luận mạch tính cảm (tính chất thể hiện của cuộn dây) hay tính dung (tính chất của tụ điện thể hiện rõ hơn). Các dạng bài ở phần này là tìm các giá trị hiệu dụng, cực đại, độ lệch pha (tìm qua giản đồ pha) và viết phương trình 1, 2, 3 phần tử…
Học tới đây rồi, bạn đừng vội mà học tiếp công suất hoặc cực trị nha. Bạn nên dừng lại, nhìn lại khối lượng kiến thức đã gom nhặt được với các hệ thức cần nhớ là gì, tự viết nó ra, nếu không viết được ra đồng nghĩa bạn chỉ học vẹt (Nếu gặp triệu chứng này chắc chắn chỉ hơn 1 tháng nữa chữ bay hết).
Bài: Công suất điện tiêu thụ của mạch điện xoay chiều, Hệ số công suất
Bạn chỉ cần nhớ các hệ thức cơ bản của P để giải các bài thô sơ, đơn giản dựa trên cơ sở các mạch đã học, đừng vội học biện luận công suất ngay. Bạn phải hiểu, tới P thì sẽ bổ sung thêm cách để tìm được I hoặc Z hoặc U thôi chứ đừng nghĩ nó khó quá. Còn nếu tư duy tốt thì chỉ nên học biện luận công suất – cộng hưởng, biện luận công suất theo R chứ biện luận R thế lọ thế chai mất thời gian nha. Phần công suất là phần rất hay thi nên học kĩ vào.
Tới bây giờ nhìn lại, bạn đã có kha khá công thức đó, thử tự viết nếu cho P thì tư duy ngược lại bài toán người ta sẽ hỏi gì (thường thì hỏi R hoặc L hoặc C thôi đúng không? ). Vậy thì tập nhìn bài toán theo hướng ngược lại, bạn sẽ hiểu được bản chất và ý tưởng người ra đề, từ đó em sẽ nhìn được hướng đi của một câu mới hoặc có định hướng để ra đáp án (cái này gọi là nhạy bén trong Vật lí).
Có một điều mà ít bạn biết đó là trong SGK không có bài viết chi tiết về biện luận L, Cf hoặc cuộn dây không thuần cảm.  Bạn nên đưa các bài biện luận về giản đồ và gò nó lại theo các dấu hiệu để dễ nhớ chứ nhớ chứ không thể nhớ nổi công thức dạng này đâu. Học qua giản đồ cô lập 70% dạng bài lại thì phần còn lại là nhớ các hệ thức đặc biệt với 2 giá trị L, C, f để liên hệ nó với trường hơp cộng hưởng hoặc U của từng thằng đạt cực đại.
Nếu bạn nào còn nói: “Em học mãi vẫn không khá được điện xoay chiều” thì hãy nhớ lời thầy Phạm Văn Tùng: “Em đã mơ thấy hệ thức điện xoay chiều mỗi ngày chưa? Nếu rồi mà em vẫn học không được thì mới nên kêu nhé!”. Hãy tiếp tục cố gắng để chinh phục những đỉnh núi phía trước nhé!
Theo thầy Phạm Văn Tùng.
Tải ứng dụng HOCMAI

HOCMAI miễn phí nhiều khóa học bổ trợ – đề thi thử – phương án học tập và ôn luyện bứt phá 9+ đanh cho học sinh lớp 1-12. Tải & hoàn thành đăng ký tài khoản để nhận ngay những khóa học bổ trợ miễn phí!