HOCMAI Bài tập đọc – hiểu chiếm 20 câu trong đề thi đại học môn Tiếng Anh và là dạng bài khiến không ít học sinh cảm thấy khó khăn. Thầy Phan Huy Phúc sẽ chia sẻ 4 bước chạy ma-ra-tông để giành điểm ở dạng bài đọc hiểu này.
Khởi động – không có con đường nào đi tắt đến điểm tối đa
Chỉ có luyện tập bền bỉ mới giúp bạn có cơ hội đạt điểm tối đa – đây là lời khuyên của thầy Phan Huy Phúc dành cho bạn. Phải khởi động như thế nào để bền sức nhất trong cuộc chạy đua ma-ra-tông này? Bạn ghi nhớ những điều sau nhé:
Các chủ đề thường gặp trong bài đọc hiểu
Theo thầy Phan Huy Phúc, bài đọc hiểu có thể về bất cứ chủ đề nào đó nhưng sẽ không bao giờ đi quá sâu vào phần giải thích về chuyên môn mà chỉ giới thiệu những khái niệm cơ bản của chủ đề đó. Vì vậy, để khởi động, bạn nên dành thời gian 10 phút mỗi ngày để đọc những bài báo về nhiều đề tài khác nhau để mở rộng kiến thức.
Giữ sức khi học từ vựng
Từ vựng là một yếu tố quan trọng của Tiếng Anh. Bạn học Tiếng Anh mà không biết từ vựng giống như việc bạn yêu một người mà không biết nói gì với người ấy vậy. Tuy nhiên, việc “lao đầu” học một kho khổng lồ từ vựng để dịch nghĩa được trọn vẹn bài đọc hiểu là cách “khởi động” tồi tệ.
Khởi động là giai đoạn để bạn bắt đầu cung đường ma-ra-tông chứ không phải dốc sức để về đích. Trong bài đọc hiểu, nếu lược bỏ hết những từ ngữ chuyên môn, phần còn lại cũng chỉ là những từ ngữ không quá xa lạ với những quan hệ ngữ nghĩa không phải là phức tạp. Phương châm của thầy Phan Huy Phúc là những gì các bạn hiểu quan trọng hơn những gì bạn không hiểu. Bằng cách lắp ráp những gì bạn thực sự hiểu, bạn sẽ đủ thông tin để trả lời các câu hỏi mà không cần phải hiểu hết tất cả từ vựng đó.
Chạy bền – phương pháp làm bài đọc hiểu thông minh
Không có một phương pháp nào là tối ưu tuyệt đối cả. Có bạn cầm đề thi sẽ “nhào vào” đọc luôn. Có bạn đắn đo câu hỏi trước khi đọc bài. Mỗi người sẽ lựa chọn một cách thông minh để làm dạng bài này. Để tìm được phương pháp phù hợp với mình, bạn nên chăm chỉ luyện tập và đúc kết kinh nghiệm sau mỗi bài đọc hiểu.
Nói như thầy Phan Huy Phúc: “Làm bài đọc hiểu tốt cần luyện tập và quen thuộc. Một bài đọc khó các em đọc 100 lần khi không hiểu không hiệu quả bằng 1 lần khi hiểu.
Trong tiếng Anh có câu: You can’t teach a drowning man to swim (bạn không thể dạy bơi cho người chết đuối). Chúng ta thường quá tập trung vào những chiến thuật làm bài mà quên mất bản chất căn bản của việc đọc: Các em khi đọc phải có niềm vui khi đọc, và các em phải tích lũy niềm vui đó để không cảm thấy sợ khi tiếp cận bài đọc”.
Tăng tốc – chiến thuật làm bài đọc hiểu
Về cơ bản, có 2 chiến thuật để giúp bạn trong phần đọc hiểu:
Thứ nhất, đọc các câu hỏi trước để nắm được các thông tin trong bài đọc hiểu cần tìm. Khi đã hiểu các câu hỏi, bạn cũng lướt nhanh các phương án lựa chọn, bởi trong số đó có thông tin đúng. Điều này sẽ giúp bạn nhận biết dễ hơn khi bắt đầu đọc.
Thứ hai, bạn đọc kỹ mỗi câu mở đoạn, bởi đoạn văn luôn mở đầu bằng một câu mang ý lớn, và các câu tiếp theo nhằm giải thích cho ý lớn đó. Khi bạn đọc xong một đoạn văn, trước khi chuyển sang đoạn tiếp, bạn cố gắng tóm tắt trong đầu đoạn văn mới đọc chỉ bằng một câu, như vậy, bạn sẽ theo dõi được trình tự xuất hiện và quan hệ logic giữa các thông tin chính trong bài đọc hiểu.
Về đích – đã gần đến đích nên bạn đừng buông xuôi!
Một điều cuối cùng thầy Phan Huy Phúc khuyên bạn là không nên lãng phí một bài đọc hiểu. Bạn trả lời xong các câu hỏi thì phải luôn quay lại đọc toàn bộ bài đọc đó trong trạng thái đã hiểu hết bài đọc đó. Giống như, sau khi đã nhận lời yêu một người, bạn cần suy xét kĩ lưỡng trước khi quyết định kết hôn với người đó.