3 cách làm nghị luận xã hội để đạt điểm cao

Nghị luận xã hội là một dạng đề tuy không chiếm điểm số cao nhưng nó chính là bài phân loại học sinh. Vì thông qua bài viết học sinh có thể nêu ra những quan điểm, ý kiến của chính mình về một tư tưởng, đạo lý hoặc một hiện tượng đời sống. Tuy nhiên, có rất nhiều bạn chưa có một định hướng hay cách thức cho dạng bài này. Vì vậy, HOCMAI sẽ chia sẻ với các bạn một số bí quyết ngay dưới đây nhé!
1. Phân loại dạng bài

Trong nghị luận xã hội có 2 dạng bài, thứ nhất là nghị luận về một tư tưởng, đạo lý và thứ 2 là nghị luận về một hiện tượng đời sống.

Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý thường là những châm ngôn, quan điểm của các nhân vật lỗi lạc với mục đích hướng học sinh đưa ra quan điểm đúng đắn về những giá trị đạo đức tốt đẹp như uống nước nhớ nguồn, ăn quả kẻ nhớ quả trồng cây…

Còn hiện tượng đời sống chính là những vấn đề nóng, những vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay, gần gũi với giới trẻ như gian lận trong thi cử, học sinh vượt đèn đỏ, hay bạo lực học đường… Để làm tốt dạng bài này, học sinh phải có nhiều hiểu biết về kiến thức xã hội thì bài văn mới hay và có sức thuyết phục.

Vì sự khác nhau đó nên học sinh cần xác định đúng dạng bài để có hướng giải quyết vấn đề tốt hơn.

2. Đảm bảo bố cục rõ ràng

Dù là bài văn thuộc dạng nào thì chúng ta cũng phải chia bố cục rõ ràng, đây không chỉ là vấn đề về hình thức mà nó còn là vấn đề về nội dung. Một bài văn với bố cục rõ ràng chứng tỏ người viết có tư duy logic và giúp bài văn mạch lạc, đồng thời đảm bảo được đầy đủ các phần của một bài văn như: dẫn dắt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết thúc vấn đề.

3. Cần có những nhận xét, đánh giá của bản thân về vấn đề

Như đã nói về mục đích của hai dạng bài ở trên, nghị luận xã hội chính là cơ hội để học sinh thể hiện quan điểm của mình. Vì vậy, bài văn nào có càng nhiều những góc nhìn đa chiều về vấn đề kèm những dẫn chứng thuyết phục thì càng được điểm cao. Để có thể làm tốt phần này và tránh có những cái nhìn sai lệch về vấn đề được nghị luận thì học sinh cần tham khảo thật nhiều thông tin qua sách, báo, tivi, internet để lấy tư liệu làm nhé!

Cách thức làm bài cụ thể:

  • Nghị luận về tư tưởng, đạo lý

Đầu tiên, học sinh cần dẫn dắt, giới thiệu tư tưởng, đạo lí cần bàn luận cũng như mở ra hướng giải quyết vấn đề ở mở bài. Trong thân bài, hãy cắt nghĩa các từ khóa rồi mới khái quát ý nghĩa của toàn bộ tư tưởng, đạo lí mà đề yêu cầu. Sau đó, tập trung vào bàn luận tư tưởng, đạo lí đó như mức độ đúng đắn, chính xác, sâu sắc, toàn diện, đầy đủ… Đồng thời, cũng cần đưa ra những dẫn chứng thuyết phục để chứng minh quan điểm của mình. Tiếp theo, rút ra bài học nhận thức và hành động trong cuộc sống. Kết bài, học sinh nên đánh giá ngắn gọn, khái quát về tư tưởng, đạo lí đã bàn luận.

  • Nghị luận về một hiện tượng đời sống

Giống với dạng bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí, mở bài về một hiện tượng đời sống cần nêu được hiện tượng cần bàn luận và hướng giải quyết. Phần thân bài, học sinh giải thích hiện tượng đời sống, nêu các biểu hiện của hiện tượng đó trong thực tế cuộc sống xã hội, lí giải nguyên nhân và đánh giá hiện tượng… Rút ra bài học về nhận thức và hành động cũng là một ý rất quan trọng, không thể thiếu của thân bài. Cuối cùng, đánh giá chung về vấn đề cần nghị luận ở kết bài.

Chúc các bạn học tập hiệu quả!

Tải ứng dụng HOCMAI

HOCMAI miễn phí nhiều khóa học bổ trợ – đề thi thử – phương án học tập và ôn luyện bứt phá 9+ đanh cho học sinh lớp 1-12. Tải & hoàn thành đăng ký tài khoản để nhận ngay những khóa học bổ trợ miễn phí!