Ngày 28 tháng 9 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp báo để công bố phương án thi THPT Quốc gia năm 2017, một hoạt động rất được quan tâm bởi đông đảo giáo viên, phụ huynh và đặc biệt là các em học sinh lớp 12 đang chuẩn bị hành trang cho kỳ thi năm tới. Theo đó, những thay đổi của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 so với năm 2016 thể hiện ở khá nhiều điểm, cụ thể như sau:
- Lịch thi sớm hơn các năm trước, thi vào 2 ngày của tháng 6:
Ngày thứ nhất | Ngày thứ hai | |
Sáng | – Ngữ Văn (Tự luận – 120 phút)
– Ngoại ngữ (50 câu trắc nghiệm, 60 phút) |
Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học – 40 câu cho mỗi môn, 120 câu/150 phút) |
Chiều | – Toán (50 câu trắc nghiệm, 90 phút) | Khoa học xã hội (Lịch Sử, Địa lí, GDCD – 40 câu mỗi môn, 120 câu/150 phút) |
2. Điểm liệt: Môn riêng – 1 điểm; Môn tổ hợp – 1 điểm cho mỗi môn thành phần.
3. Xét tốt nghiệp dựa trên 4 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và hoặc KHTN hoặc KHXH.
4. Xét tuyển Đại học có thể sử dụng một hoặc phối hợp các phương án:
– Tổng điểm các môn theo khối thi truyền thống;
– Tổng điểm các môn theo yêu cầu của trường trong đó có môn Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội;
– Xét học bạ;
– Thi tuyển riêng của mỗi trường.
Các trường được quyền tự quyết tuyển sinh, do vậy thí sinh cần chờ phương án tuyển sinh mà các trường đưa ra để có cách thức chuẩn bị phù hợp cho mỗi trường.
Như vậy, có rất nhiều thay đổi mà thí sinh cần phải theo dõi cẩn thận để thích ứng kịp thời. Đối với các thí sinh đang chuẩn bị môn Sinh học như một môn xét tuyển, các em cần lưu ý các vấn đề sau:
- Giống như các thí sinh chọn KHTN, các em sẽ phải chịu áp lực làm bài 3 môn Vật lí, Hóa học, Sinh học trong một buổi – căng thẳng hơn nhiều so với các năm trước và các em phải đảm bảo không bị liệt bất kỳ môn nào trong số các môn kể trên.
- Số câu hỏi trong đề Sinh học là 40 câu, thời gian làm bài chỉ 50 phút do vậy tính trung bình tốc độ làm bài đạt 75 giây cho một câu, một tốc độ rất khẩn trương.
- Nhiều học sinh khối A cũ sẽ học thêm môn Sinh để tăng điểm môn Khoa học tự nhiên hoặc là một biện pháp để mở rộng cơ hội đỗ của thí sinh, do vậy áp lực với các học sinh đã lựa chọn môn Sinh từ ban đầu trở nên cao hơn.
- Theo lộ trình, có các trường có thể xét tuyển theo điểm thi Toán, Hóa, Sinh (khối B truyền thống) hoặc Toán + Khoa học Tự nhiên (theo nhu cầu của trường) do vậy học sinh cũng có thể chọn cho mình cách học: hoặc học đều Toán, Lí, Hóa, Sinh hoặc tập trung Toán, Hóa, Sinh như cũ, điều này cần cân nhắc hết sức cẩn thận và có quyết định ngay khi các trường công bố phương án tuyển sinh.
Dù thời điểm này chưa có đề minh họa của Bộ, song để chuẩn bị càng sớm càng tốt thì các em cần chú ý như sau:
1. Học tập và rèn luyện kiến thức – chìa khóa quan trọng bậc nhất
Bộ thông báo kiến thứ “chủ yếu” tập trung trong chương trình lớp 12, cái này không khác gì các năm trước đối với môn Sinh học. Do vậy, các em học bình thường theo các nội dung vẫn đang ôn tập bao gồm: Thành phần hóa học của tế bào, cấu trúc tế bào, phân bào (trong chương trình lớp 10), các kiến thức này sẽ bổ trợ cho các em học phần Di truyền lớp 12, Tiến hóa lớp 12 và phần Sinh thái ở lớp 12. Như vậy, về mặt kiến thức môn Sinh sẽ không có gì thay đổi so với chương trình các năm trước, đây là điều thuận lợi với các em.
Cần lên kế hoạch rõ ràng cho việc hoàn thành chương trình học sớm theo lộ trình bản thân đặt ra, từ đó có kế hoạch tự ôn tập lại các kiến thức bằng sơ đồ tư duy để ghi nhớ hệ thống kiến thức đầy đủ.
Từ hệ thống kiến thức, các em cần vận dụng vào giải quyết các bài tập đặc biệt là các bài tập trắc nghiệm. Đừng bỏ rơi cuốn sách bài tập Sinh học 12 – một công cụ quan trọng mà nhiều học sinh bỏ quên khi ôn tập. Việc học kiến thức và rèn luyện kỹ năng trong cuốn bài tập này sẽ giúp ích cho các em rất nhiều.
2. Xây dựng kỹ năng làm câu hỏi trắc nghiệm
Quá trình hình hành kỹ năng trả lời các câu hỏi trắc nghiệm được rèn luyện ngay khi các em còn học kiến thức. Nhưng việc hình thành kỹ năng trả lời nhanh đòi hỏi các em phải rèn luyện thường xuyên, phân dạng bài tập và tư duy giải quyết các dạng bài tập đó một cách nhuần nhuyễn, để kỹ thuật giải bài tập trở thành kỹ năng, kỹ xảo của bản thân thì các em mới có thể trả lời nhanh được các câu hỏi trong đề thi.
Rèn luyện khả năng của bản thân bằng cách làm các đề thi minh họa của Bộ hoặc các đề thi tương đương đề thi minh họa, đo tốc độ và đẩy nhanh tốc độ làm bài và độ chính xác của các câu trả lời.
Khi làm đề, chỉ trong 50 phút với 40 câu hỏi các em cần tận dụng mọi khoảng thời gian có thể, ví dụ thời gian chờ làm bài để có thể giải quyết các câu hỏi dễ trước. Làm các câu hỏi theo thứ tự từ dễ đến khó, câu nào chưa làm được thì bỏ qua và làm ở lượt tiếp theo. Theo dự đoán của thầy, 40 câu sẽ có khoảng 20 câu dễ, 10 câu khá, 10 câu khó để phân loại. Do vậy 20 câu đầu cố gắng làm trong 10 – 15 phút, thời gian còn lại dành cho các câu tiếp theo.