Nhắc đến một người thầy dạy Toán tôi không biết các bạn nghĩ đến điều gì nhưng 3 từ bật luôn lên trong đầu tôi chính là: nguyên tắc, nghiêm túc và thực tế. Nhưng từ sau hôm gặp và tiếp xúc với thầy Nguyễn Mạnh Cường – một giáo viên dạy Toán nổi tiếng Hà Nội hiện đang là giáo viên đội tuyển học sinh giỏi THPT Chu Văn An Hà Nội thì tôi đã thay đổi suy nghĩ.
Hình ảnh đời thường gần gũi, giản dị của thầy Nguyễn Mạnh Cường
Mặc dù hôm phỏng vấn mới chỉ là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với thầy nhưng tôi vẫn cảm nhận được ở người thầy ấy có cái gì đó lạc quan, có cái gì đó đơn giản, có cái gì đó gần gũi, có cái gì đó chân thành mà như cách nói của nhiều người là “có tâm và có tầm”.
Và đúng như tôi cảm nhận, qua những câu trả lời của thầy càng khiến tôi chắc chắn hơn về cảm nhận của mình, trả lời tôi về câu hỏi “thầy mong muốn trở thành một người như thế nào trong tương lai?” thầy cười nói: “Mình muốn làm một người người chồng tốt, một người cha tốt, một người thầy tốt”. Giải đáp thắc mắc của tôi về khái niệm như thế nào là một người thầy tốt, thầy chậm rãi trả lời ”Với mình một người thầy tốt là người khiến cho học sinh của mình yêu thích môn học mình dạy hơn, từ việc yêu thích sẽ khiến các em học môn đó ngày càng tốt hơn, quan trọng nhất là với những kiến thức mình dạy và kinh nghiệm mình chia sẻ sẽ khiến cho các em học sinh trở thành một học trò tốt, một người con tốt và một công dân tốt”. Câu trả lời của thầy rất đơn giản, chẳng hoa mỹ, chẳng văn vẻ nhưng sao tôi vẫn thấy cao cả lạ thường.
Thầy cũng đã khiến tôi ngạc nhiên khi nói rằng “những lúc rảnh rỗi mình thích dọn dẹp nhà cửa và chơi với con” thấy vẻ mặt ngạc nhiên của tôi thấy cười tươi nói “mình thích dọn dẹp nhà cửa thật”. Tôi hoàn toàn ủng hộ và coi bình đẳng giới là điều hiển nhiên nhưng có lẽ trước đây tôi không gặp được nhiều người có suy nghĩ như vậy, cũng như gặp người có sở thích như thầy cho nên càng nghe thầy chia sẻ tôi càng thấy yêu quý và tôn trọng thầy hơn.
Thầy giáo Toán nhìn cuộc đời như thơ
Nếu như không biết thầy Cường là giáo viên dạy toán thì có lẽ sau khi phỏng vấn thầy tôi sẽ nghĩ thầy là một giáo viện dạy văn không chừng. Điều này được thể hiện rõ khi thầy trả lời câu hỏi của tôi về quan điểm sống “quan điểm sống của thầy là sống làm sao để có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc cho những người xung quanh”. Tự thầy cũng nhận thấy rằng mình là một người sống thiên về tình cảm.
Chia sẻ thêm về điều này thầy nghĩ rằng có rất nhiều điều ảnh hưởng đến tư tưởng và quan điểm đó của thầy. Đầu tiên chính là truyền thống gia đình. “Gia đình mình sống rất tình cảm, không chỉ bố mẹ mà cả họ hàng, cô dì, chú bác, ông bà” …Sống trong mội trường như vậy từ nhỏ nên đã hình thành trong thầy một tư tưởng là phải sống như thế nào để yêu thương nhiều hơn, đùm bọc nhiều hơn, giúp đỡ nhiều hơn… Tiếp đó, tư tưởng còn được nuôi dưỡng thêm qua những chuyến đi, những lần trải nghiệm sau mỗi hành trình khám phá đến những miền đất lạ: “Càng đi nhiều, càng thấy những hoàn cảnh khó khăn, thấy nhiều mảnh đời khổ cực..thầy càng tự dặn lòng là sẽ cố gắng nhiều hơn để đùm bọc được thật nhiều người.
Thầy còn vui vẻ bật mí “mặc dù là một người thầy dạy toán nhưng mình rất thích đọc sách văn học”. Khác với một số thầy tôi đã từng tiếp xúc, tư tưởng của họ bị ảnh hưởng bởi những nhân vật vĩ đại với những con người theo đuổi đam mê đến chết, thì tư tưởng của thầy chịu ảnh hưởng từ gia đình, từ trải nghiệm, từ những nơi thầy đi, những người thầy gặp và những sách cuốn sách nhân văn thầy đọc.
Thầy Nguyễn Mạnh Cường (áo đỏ ngồi giữa) cùng đội tuyển học sinh giỏi trường THPT Chu Văn An Hà Nội
“Nếu không thể làm thứ mình yêu thì hãy yêu thứ mình làm”
Nhớ lại khoảng thời gian chuẩn bị cho kỳ thi đại học 17 năm về trước của mình, thầy nói rằng: “Hồi đó mình rất thích học xây dựng nhưng cuối cùng khi thời khắc cần đưa ra quyết định, mình đã chọn học Sư phạm thay vì theo đuổi đam mê chỉ vì học Sư phạm… không phải đóng học phí. Thầy hài hước nói rằng: “bố mình làm thợ mộc rất bận, thời sinh viên cứ rảnh là mình về làm mộc cùng bố, có lẽ vì kinh nghiệm làm thợ mộc nên hình học của mình khá tốt”- Thầy cười nói.
Mặc dù không theo học ngành mà mình yêu thích nhưng thầy tự cảm thấy may mắn vì “càng theo nghiệp dạy học thầy lại càng thấy bản thân mình hợp và yêu cái nghề này hơn”- thầy cười tươi chia sẻ.
Khoảnh khắc siêu dễ thương của thầy
Qua đây thầy cũng muốn nhắn nhủ đến các bạn teen 99 đang trong giai đoạn làm hồ sơ chọn ngành, chọn trường cho kỳ thi THPT quốc gia 2017 sắp tới rằng “không phải ai cũng may mắn như mình là yêu và hợp với nghề mà ban đầu mình không thích nên các bạn cần chọn lựa kỹ càng”. Tuy nhiên, theo thầy, ngành nào cũng có cái hay của nó, nếu bạn thực sự xác định được đam mê thì hãy theo đuổi nó đến cùng và chấp nhận đương đầu với thử thách. Còn nếu bạn chọn ngành dựa trên định hướng của bố mẹ-tình trạng này khá phổ biến vì liên quan đến cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường, hay không biết mình thực sự thích gì thì hãy cố gắng tìm ra niềm vui trong công việc .“Nếu không thể làm thứ mình yêu thì hãy cố gắng yêu thứ mình làm”, thầy Cường nhấn mạnh.