Teen 2k2 chắc ai cũng biết và yêu thích những ngày lễ như Trung Thu, Tết Nguyên Tiêu hay Tết Đoan Ngọ… Nhưng bạn có biết hôm nay là ngày Tết Trùng Cửu không? Tết Trùng Cửu có gì thú vị – cùng tìm hiểu nhé!
Tết Trùng Cửu là ngày gì nhỉ?
Tết Trùng Cửu còn có tên gọi khác là Tết Trùng Dương, là ngày Tết Hoa Cúc. Tết Trùng Cửu diễn ra vào ngày mùng 9 tháng 9 Âm Lịch, lý do là bởi hình tượng số 9 lặp lại trượng trưng cho sự trường thọ. Như nhiều ngày Tết âm lịch khác, Tết Trùng Cửu có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Ngày Tết Trùng Cửu cũng là thời điểm trời bắt đầu chuyển sang mùa đông. Do đó, ngày này còn có tên gọi khác là “Trường Thanh”, tức là tạm biệt cỏ xanh. Điều này gợi tới một quan niệm có từ lâu đời của người Trung Quốc: Mọi thứ dù có đẹp đẽ và trường tồn(sống lâu) tới đâu thì cũng có ngày phai tàn. Qua đó khuyên nhủ con người phải biết trân trọng cuộc sống.
Ngày Tết Trùng Cửu mọi người thường làm gì?
Như đã giới thiệu ở trên, ngày 9 tháng 9 hàng năm thường là một ngày cuối thu đầu đông. Do thời tiết sau ngày này sẽ trở nên khắc nhiệt và vạn vật mất đi sức sống, Tết Trùng Cửu giống như là cơ hội cuối cùng để mọi người đi chơi, thưởng ngoạn cảnh sắc mùa thu. Trong ngày lễ Trùng Cửu, mọi người thường đi tới các cùng ngoại thành, hít thở không khí trong lành và tận hưởng phong cảnh. Leo núi cũng là một hoạt động phổ biến trong ngày này.
Một phong tục khác trong ngày Tết Trùng Cửu là uống rượu hoa cúc trong khi ngắm hoa và treo cành thù du. Người Trung Quốc có rất nhiều điển tích lý giải cho phong tục này. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, mục đích của người xưa khi có thói quen này cũng giống như khi uống rượu nếp và để cây xương rồng trong ngày Tết Đoan Ngọ, chủ yếu là để xua đuổi tà ma, bệnh tật. Trong thời khắc giao mùa, thời tiết diễn biến thất thường, trời trở lạnh đột xuất dễ khiến người ta bị ốm. Uống trà hoa cúc sẽ giúp hạn chế việc bị cảm lạnh và cây phù du có mùi thơm giúp bạn xua đuổi côn trùng.
Những ngày tết âm lịch mà các bạn teen 2k2 nên ghi nhớ
Đọc đến đây, có thể có nhiều bạn nhận ra mình còn chưa biết nhiều về các ngày lễ cổ truyền của dân tộc. Ngoài những ngày lễ nổi tiếng như Tết Nguyên Đán, Tết Táo Quân hay Tết Trung Thu, bạn cũng nên ghi nhớ một số lễ tết theo lịch âm quan trọng dưới đây nhé:
- Tết Khai Hạ – Ngày 7 tháng 1: Ngày lễ hạ cây nêu được treo trong những ngày đầu năm mới, đánh dấu việc đã hết giai đoạn vui chơi đầu năm, nhắc con người quay về lao động chào xuân mới.
- Tết Thượng Nguyên (Nguyên Tiêu) – Ngày 15 tháng 1: Kỉ niệm Ngày trăng tròn đầu tiên trong năm. Đồng thời cũng là ngày vía Phật Tổ.
- Tết Thanh Minh – Diễn ra sau ngày lập xuân 45 ngày: Là ngày lễ tảo mộ, thường diễn ra vào tháng Ba.
- Tết Đoan Ngọ – Ngày 5 tháng 5: Là tết giết sâu bọ.
- Tết Trung Nguyên – Ngày rằm tháng 7: Lễ xá tội vong nhân.
Như teen 2k2 đã thấy, Việt Nam chúng ta có rất nhiều ngày lễ tết, phong tục độc đáo phải không nào! Các bạn hãy học tập chăm chỉ, tìm hiểu và nâng cao vốn hiểu biết về đất nước mình, qua đó giúp giữ gìn những truyền thống tốt đẹp đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ cha ông nhé!