Cô Nguyễn Thị Thu Trang đã khiến cho nhiều bạn học sinh và phụ huynh giật mình khi chỉ ra 4 lỗi sai mà học sinh lớp 9 thường gặp khi học và viết văn.
Trong workshop “Cùng con chuẩn bị cho kỳ thi vào 10”, cô Trang khẳng định môn văn không khó định tính định lượng! Môn Văn cũng có barem điểm, liệt kê từng ý, từng ý cụ thể. Vì vậy, cô Trang muốn đưa môn văn về gần với môn toán và các bạn học sinh phải có tư duy mạch lạc. Để làm được điều này, các bạn học sinh cần có ý thức tránh xa 4 lầm tưởng này và các bậc phụ huynh cũng cần hỗ trợ các bạn rất nhiều.
Lầm tưởng 1: Văn là “chém gió”
Cô Trang đã hóm hỉnh dùng đúng ngôn ngữ tuổi teen hiện nay là “chém gió” và “bung lụa”. Ở đây chúng ta có thể hiểu là viết bừa, viết không có định hướng đúng đắn.
Cô Trang chia sẻ: “Các con đọc xong đề bài thấy “Lặng lẽ Sa Pa” là viết một mạch về anh thanh niên trong khi đề hỏi về cô kĩ sư và ông họa sĩ. Cũng có khi là biết cái gì về đề bài thì viết hết. Đây chính là hệ quả của việc không đọc kĩ đề bài, lại thêm suy nghĩ “chém gió” kiểu gì cũng đúng. Môn Văn giờ chấm rất gần với môn Toán, vì vậy, các con cần phải rèn luyện tư duy mạch lạc”
Lầm tưởng 2: Văn phải viết dài
Nhiều bạn học sinh và cả phụ huynh đều có suy nghĩ viết Văn càng dài càng tốt, càng dài càng điểm cao. Dựa trên kinh nghiệm chấm thi nhiều năm của mình, cô Nguyễn Thị Thu Trang khẳng định trong bài văn vào 10, các bạn học sinh cần viết ngắn gọn, cô đọng và khai thác đề bài tối đa.
Cô Trang đưa ra ví dụ năm 2014, đề văn yêu cầu phân tích khổ thứ 2 trong bài thơ “Tiểu đội xe không kính” để làm rõ cảm giác của người chiến sĩ lái xe. Đề bài đã đưa ra nhiều gợi ý cho các bạn lớp 9 viết bài, các sĩ tử cần đưa luôn yêu cầu của đề vào câu chủ đề của bài.
Khi làm bài thi văn vào 10, cô Trang khuyên các bạn teen không lan man dài dòng mà viết đủ số câu. Trong đề thi sẽ có hai dạng câu là câu nghị luận xã hội và câu nghị luận văn học. Câu nghị luận xã hội thường sẽ viết trong nửa trang, một trang, còn phần nghị luận văn học thì khoảng 12 – 15 câu. Tính ra một bài văn của các sĩ tử sẽ dài khoảng 2 trang là vừa đủ.
Có những bạn viết rất ngắn gọn súc tích, nhưng đủ ý nên bạn vẫn được điểm cao hơn so với những bạn viết dài nhưng không có một dàn ý rõ ràng.
Lầm tưởng 3: Học văn là học thuộc, chỉ cần đọc văn mẫu
Cô Trang thường nói vui là “Để học tốt là để học dốt. Khi các con dùng văn mẫu, các con đã bỏ qua bước tìm hiểu bài. Nhiều thầy cô thường yêu cầu các con học thuộc và bố mẹ học cùng, kiểm tra các con. Các bố mẹ khi đồng hành cùng con vào 10, có thể kiểm tra con học thuộc thơ, học dàn ý, tóm tắt truyện.
Khi các con đọc văn người khác và học thuộc thì văn đó mình không hiểu. Việc thầy cô cần làm là đưa ra các công thức để các con biết cách làm bài. Thay vì chăm chăm đọc văn mẫu, các con hãy bám sát vở ghi trên lớp. Đây là nguồn tài liệu mà các con đã quen thuộc, học sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.”
Lầm tưởng 4: Học tủ
Cô Trang cho biết, có rất nhiều bạn học sinh rất chủ quan với việc học Văn, thích học tủ. Suy nghĩ này hết sức sai lầm! Cô Trang khẳng định: “Không thể học tủ vì sẽ bị tủ đè”. Đã có những lần đề thi năm trước hỏi 1 tác phẩm, đề thi năm sau vẫn tác phẩm ấy nhưng lại hỏi một khía cạnh khác. Không ai biết được đề thi ra như thế nào. Vì vậy chúng ta có thể tham khảo phần khoanh vùng kiến thức cần học chứ không thể hoàn toàn bỏ bất cứ tác phẩm nào.
Để học Văn luyện thì vào 10 cùng cô Nguyễn Thị Thu Trang, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh có thể đăng ký TẠI ĐÂY hoặc CLICK BANNER