Teen 2001 nè, đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời, đừng lựa chọn ngành nghề theo kiểu… cho nó có, hoặc lựa chọn theo sở thích, nguyện vọng, và mong muốn của… người khác. Trả lời 6 câu hỏi dưới đây, bạn sẽ tự lựa chọn được ngành nghề phù hợp với mình.
Xem thêm:
- Lối thoát cho những bạn giỏi Toán, Lí, nhưng lại kém Hóa
- Nhất quyết phải ‘gối đầu giường’ điều này nếu bạn thi khối A
- Bạn sướng hơn rất nhiều so với học sinh tại Hàn Quốc
1. Công việc yêu thích của bạn là gì?
Là bác sĩ, công an, kỹ sư, nhà quản trị, giáo dục…?
“Cách duy nhất để đạt đến thành công tột bậc là yêu thích những gì bạn làm” – Steve Jobs. Thực tế đã nhiều lần chứng minh rằng: những người thành công nhất luôn làm công việc mà họ yêu thích, với tất cả sự đam mê của bản thân… Sẽ thật tệ hại nếu ngồi trong giảng đường đại học và học những gì mình không thích. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ học tập của bạn: thích làm kỹ sư nhưng lại học kế toán, thích làm kinh tế nhưng lại học sư phạm. Bạn sẽ không thể tìm thấy niềm vui và sự hứng thú trong sự học của mình và tất nhiên, kết quả học tập theo đó sẽ thật tệ hại.
Chính vì vậy, trước tiên hãy xem bản thân mình thật sự yêu thích công việc gì?
2. Bạn có điểm mạnh gì?
Mỗi một người sẽ có những điểm mạnh, điểm yếu riêng nên các bạn cần lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng của mình. Ngành mà bạn thích chưa chắc đã là ngành mà bạn có thể học tập và làm việc tốt. Ví dụ như bạn muốn làm bác sĩ nhưng lại không có tính cẩn thận, chăm chỉ, cần mẫn, chịu được áp lực lớn; thì là đang tự hại mình, hại người, rất nguy hiểm.
Do đó, hãy xác định những điểm mạnh của bản thân, xem chúng có phù hợp với những yêu cầu của ngành nghề bạn định chọn hay không. Biết được khả năng của mình phù hợp với lĩnh vực gì bạn sẽ có thể phát huy hết các điểm mạnh, tự tin làm tốt hơn người khác, và bạn sẽ có thể thành công.
3. Bạn có chọn ngành chỉ vì thấy… nhiều người chọn?
Không ai có thể khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng: ngành kỹ sư, ngành giáo dục, hay ngành kinh tế sẽ HOT hay sẽ “chìm nghỉm” trong khoảng thời gian 4, 5 năm sau. Mọi thứ đều có thể thay đổi chóng mặt qua thời gian, nên đừng xem đây là yếu tố quyết định việc lựa chọn ngành nghề của bạn. Thay vào đó, bạn có thể tìm hiểu xu hướng ngành nghề thông qua các phương tiện báo chí, mạng xã hội từ những nguồn tin uy tín để có được một sự lựa chọn tương đối ổn. Và, cứ yên tâm rằng với bất cứ một ngành nghề nào, chỉ cần bạn giỏi và có đam mê, cánh cửa nào cũng rộng mở chào đón bạn.
4. Bạn có phù hợp với ngành đó không?
Thích là một chuyện, nhưng có phù hợp hay không lại là một chuyện khác.
Ví dụ như, bạn thích làm kỹ sư xây dựng, nhưng sức khỏe lại quá yếu để có thể “đội nắng, đội gió” , di chuyển suốt theo các công trình. Hay muốn làm một sĩ quan quân đội uy phong nhưng chiều cao lại không đủ, mắt bị cận…
Vì vậy, cần phải xem xét công việc đó có phù hợp với bản thân mình không dựa trên cả yếu tố khách quan và chủ quan.
5. Bạn chọn theo sở thích của mình hay của… bố mẹ?
Có không ít bạn bị áp lực bởi sự lựa chọn ngành nghề của bố mẹ, bố mẹ thích con làm bác sĩ, làm công an, làm kiểm toán… nhưng mà: CON KHÔNG THÍCH!
Ý kiến từ bố mẹ, anh chị hay bất cứ ai chỉ nên dùng để tham khảo, hãy tự quyết định xem tương lai mình sẽ làm gì. Chỉ khi đó là mục tiêu của mình chứ không phải của bất kỳ ai khác, bạn mới thực sự có đam mê, động lực và cố gắng thực hiện ước mơ của mình.
6. Bạn sẽ phấn đấu như thế nào cho ngành học mà mình chọn?
Nếu như bạn luôn suy nghĩ về ngành mình định học trong tương lai và luôn tự hỏi mình sẽ học tập như thế nào để trước mắt là thi đậu, sau đó là học thật tốt ngành đó và phát triển tối đa khả năng của bản thân thì hơn 90% là bạn đã chọn đúng ngành rồi đấy.
Mong muốn đạt được mục tiêu, các kế hoạch học tập dài hơi cho những chuỗi ngày tiếp theo sẽ là động lực to lớn tiếp sức cho bạn trên suốt hành trình đến với ngôi trường đại học mơ ước. Và khi đã chọn được con đường phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân, đồng thời đáp ứng xu hướng ngành nghề của xã hội, bạn sẽ luôn phát huy được tối đa năng lực và sẽ đạt thành công với những gì bạn làm.
Bứt phá bản thân để có thể thi đậu ngành nghề mà mình mong muốn