Trong văn hóa phương Đông, cha mẹ vẫn thường coi con cái giống như một vật sở hữu. Cha mẹ chọn cho con những thứ mà cha mẹ nghĩ là tốt cho con, nhưng thực tế, chỉ có con mới biết điều gì tốt cho con.
Một ví dụ rất rõ ràng cho thấy điều này. Khi đứng trước một bước ngoặt cuộc đời, ví dụ như kì thi vào đại học, rất nhiều teen không được lựa chọn theo như ý mình, bởi cha mẹ đã chọn thay cho các em rồi. Kỳ vọng của phụ huynh “Con phải vào được trường này trường nọ, như vậy mới là tốt nhất!” giống như vòng kim cô ép các em vào khuôn khổ.
Tương tự như vậy, ngày nay công nghệ thông tin rất phát triển, các em có thể lựa chọn cho mình rất nhiều phương pháp học tập mới mẻ như học trực tuyến chẳng hạn. Song lại có rất nhiều phụ huynh vẫn nhất mực trung thành với việc học truyền thống. Không thể phủ nhận rằng việc học truyền thống vẫn có những điểm cộng nhưng việc cha mẹ áp đặt con cái theo ý muốn của mình là thiếu công bằng với con.
Minh Anh – một teen 2K đã dở khóc dở cười khi phụ huynh luôn cho rằng con mở máy tính lên là để lướt facebook, xem phim, chơi bời linh tinh. Minh Anh chia sẻ: “Thực ra thì phụ huynh nào cũng sẽ gặp phải cái vấn đề này. Khi học trực tuyến, chỉ cần thiếu tập trung một chút là sẽ “lạc trôi” đến các trang ngoài lề ngay.
Thật ra ở đây không có đúng hay sai, nhưng những bạn teen dù rất thích học chủ động trên mạng nhưng vì nghe lời bố mẹ mà từ bỏ thì sau này ai dám nói các bạn sẽ không từ bỏ một thứ lớn hơn và để lại nhiều tiếc nuối hơn? Điều quan trọng, chính là ở những hành động của bạn sẽ giúp bố mẹ nhận ra được những lợi ích khi học tập trực tuyến.
Minh Anh khi được hỏi về việc đã làm thế nào để bố mẹ hiểu và cho bạn học trực tuyến thì cô bạn trả lời: “Cái bố mẹ quan tâm nhất là cái kết quả học tập và chất lượng khóa học, giáo viên. Thế nên em mở một bài giảng học thử cho bố mẹ xem thầy cô giảng giải như thế nào. Sau đó thì cứ đều đặn học và chìa kết quả bài kiểm tra cho bố mẹ. Dần dần thì bố mẹ cũng hoàn toàn tin tưởng và cho em tự do học tập.”
Và hỡi các bậc phụ huynh Việt, những người luôn nhìn sang các nước bạn để rồi ao ước: “Giá mà con mình được như thế…”. Nhưng chính lối giáo dục áp đặt của cha mẹ Việt đã khiến cho teen Việt bị động, thiếu chính kiến, thiếu tư duy phản biện, giống như những đứa trẻ lớn xác khù khờ. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của công nghệ thông tin, đang ngày càng hội nhập hơn với thế giới, trao cho con quyền tự chủ trong học tập cũng là cách để mỗi bậc làm cha mẹ giúp con đến gần hơn với những chân trời mới.
Hỡi các cha mẹ Việt, hãy cho phép con được “chủ động” trong học tập!