HOCMAI Nếu bạn cho rằng kết quả học tập của mình kém hơn người khác là do bản thân kém thông minh hơn thì bạn đã nhầm. Không ai sinh ra và học giỏi một cách tự nhiên, chỉ có nỗ lực không ngừng và phương pháp học tập đúng đắn mới dẫn bạn đến thành công.
Tại sao phương pháp học tập lại quan trọng vậy nhỉ? Bởi lẽ việc học sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn nếu bạn tìm được một phương pháp học đúng đắn, phù hợp với bản thân. Nhất là khi bạn lên cấp 3, nếu không có phương pháp thì kết quả học tập rất dễ sa sút dù cấp 2 học siêu cỡ nào đi chăng nữa. Dưới đây là một số cách bạn cần ghi nhớ để càng học lên cao càng tốt hơn nè:
Học thuộc bài khi nghe giảng
Đây là lời khuyên của hầu như tất cả các giáo viên ở mọi bậc học nói với các bạn khi lên lớp. Càng nghe quá nhiều càng khiến học sinh thường bỏ ngoài tai phương pháp vô cùng hữu hiệu này, dẫn đến những lần “ngẩn ngơ” khi bị gọi kiểm tra miệng.
Khi bạn tập trung nghe thầy giảng và ghi chép chăm chỉ, ấy là bạn đã bắt đầu quá trình học ngay trên lớp rồi đó. Quan trọng là, hãy nghe có ý thức, tức là đừng chỉ nghe và ghi chép đơn thuần như một chú vẹt,
Lên kế hoạch học tập cá nhân
Có lẽ không ai đi học là không có thời khóa biểu, nhưng thời khóa biểu của bạn có thực sự hữu dụng đến thế?
Lời khuyên của HOCMAI đó là hãy làm cho mình một thời khóa biểu cá nhân thật chi tiết! Ngoài lịch học ở trường, hãy thêm những thông tin như: lịch học thêm, note ghi bài tập hoặc tiêu đề kiến thức. Để từ đó các em có thể có một cái nhìn tổng quan nhất về những nhiệm vụ phải làm và những kiến thức phải học.
Đây cũng là phương pháp để các em tận dụng thời gian một cách tốt nhất, học tập hiệu quả và đúng giờ là cách tốt nhất để… có nhiều thời gian đi chơi hơn.
Chia nhỏ để học triệt để
Lượng kiến thức của mỗi môn là không hề nhỏ, mà học sinh chúng ta lại không đi học chỉ một môn, nếu cứ cấp số nhân số lượng kiến thức và số môn cần phải học thì cảm giác hoang mang trước mỗi kỳ thi là điều đương nhiên.
Cách giải quyết rất đơn giản, song song với một thời khóa biểu hợp lí, là một phương pháp phân tích kiến thức thật hiệu quả. “Chia để trị” chính là lời giải cho bài toán xử lí khối lượng kiến thức khủng lồ.
Nhớ nhé, đừng đâm đầu vào việc học một cách mù quáng, hãy phân tích kĩ càng và hệ thống hóa kiến thức một cách nhỏ lẻ, sau đó mới bắt đầu học, kiến thức sẽ “chảy” vào trong đầu bạn một cách cực dễ dàng.
Ghi chép cũng cần kĩ năng
Hãy bắt đầu bằng cách viết xuống những điều mà cô giáo đang đề cập hoặc viết trên bảng học. Đừng cố chép y nguyên bài giảng được các thầy cô đọc ra từ giáo án.
Việc sử dụng “bút tốc ký” có thể gây khó khăn cho những ai mượn vở bạn, nhưng đây lại là cách ghi chép bài cực hiệu quả, không chỉ bởi nó tiết kiệm thời gian ghi bài và bạn có nhiều thời gian để nghe giảng hơn, mà còn bởi hệ thống “bút tốc ký” chỉ chính bạn có thể hiểu được, hay nói cách khác, bằng phương pháp này, bạn phải bắt buộc nghe và hiểu bài khi đang ghi chép.
Và hãy nhớ rằng, thời cấp 1 đã qua, sẽ không ai kiểm tra xếp loại vở sạch chữ đẹp của bạn, hãy ghi chú vào lề vở hoặc bất kì đâu bạn thấy cần thiết. Việc có một cuốn vở đẹp chưa chắc đã tốt bằng có một cuốn vở ghi chép đầy đủ kiến thức.
Giờ nào việc nấy
Giờ Công nghệ làm bài tập Toán, sách Sinh học lót vở soạn văn… Đây là tình trạng tồn tại ở mọi lớp học.
Không cần nói nhiều, bạn sẽ bỏ lỡ kiến thức của môn học này trong khi học môn học khác, và kết cục bạn sẽ luôn ở trong cuộc rượt đuổi giữa các môn học, và không có môn học nào được hoàn thành theo ý muốn của bạn cả!
Đừng quên ngủ ngon nhé!
Cuối cùng, việc tưởng như là đương nhiên, nhưng luôn bị các sĩ tử trước kì thi xem nhẹ: NGỦ! Hãy ngủ thật ngon và ngủ thật đủ giấc. Chỉ bằng cách này, bạn mới có thể đảm bảo sức khỏe và giữ vững trạng thái minh mẫn của não bộ, từ đó “học đâu nhớ đấy”.
Nhớ rằng, thức đêm để học bài là việc khó tránh, nhưng hãy hạn chế tình trạng này ở mức thấp nhất thôi nhé!