Đọc hiểu và viết đoạn văn là hai phần khó, chiếm tỷ trọng điểm cao (3,75 và 1,5 điểm) trong đề thi tiếng Anh. Ở bài viết này, cô Hương Fiona sẽ tư vấn ôn tập để học sinh có thể hoàn thành tốt nhất hai phần này.
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, đề thi môn tiếng Anh có thêm phần viết luận khiến nhiều thí sinh lo lắng. Đối với học sinh khối D, đề thi năm ngoái được đánh giá không quá khó. Điểm khác biệt thuộc về phần luận – viết đoạn văn với câu hỏi về chủ đề lợi ích của việc đọc sách.
Cùng với phần mới là viết đoạn văn, những câu hỏi đọc hiểu cũng gây không ít khó khăn cho sĩ tử. Cô giáo Nguyễn Thanh Hương có một số gợi ý cho học sinh về hai phần này.
9 loại câu hỏi thường gặp về đọc – hiểu
Phần đọc – hiểu (gồm cả điền từ và lấy thông tin) chiếm một nửa số câu hỏi trắc nghiệm (30/64). Đây là phần khiến học sinh e dè nhất vì độ dài, yêu cầu cao về hiểu biết xã hội, vốn từ vựng rộng cũng như khả năng phân tích thông tin bằng tiếng Anh.
Đối với bài đọc hiểu điền từ (còn gọi là bài đục lỗ), học sinh nên đọc lướt để hiểu nội dung đoạn văn. Sau đó, các em dựa vào thành phần đứng trước, đứng sau để xác định loại từ, chủ điểm ngữ pháp được hỏi. Cần chú ý mối quan hệ của giới từ với từ cần điền, tính logic, chính xác của cụm từ chứa chỗ trống, liên kết nội dung của câu chứa chỗ trống với các câu xung quanh hoặc với cả đoạn văn.
Hai bài đọc hiểu lấy thông tin gồm nhiều loại câu hỏi, học sinh cần nắm vững 9 loại câu hỏi và cách để trả lời nhanh nhất, bao gồm:
1. Main idea (chủ đề bài viết, nhan đề phù hợp chủ đề…): Quan sát tiêu đề của bài (nếu có), tìm ý chính ở phần đoạn mở đầu hay đoạn kết bài, vì đây thường là phần giới thiệu và tổng kết ý chính của cả bài. Ý chính là nội dung chính của toàn bài chứ không phải của từng đoạn nhỏ. Đây cũng là “cái bẫy” học sinh cần tránh.
2. Factual questions (tại sao, cái gì, như thế nào…): Chú ý tìm keyword ở cả câu hỏi và câu trả lời, lấy từ khóa từ câu hỏi làm manh mối tìm câu trả lời trong bài đọc. Từ khóa ở câu hỏi là các động từ chính, danh từ chính, tính từ chính, từ chỉ thời gian, nơi chốn…
3. Negative factual questions (điều gì không được nhắc đến, tất cả các phương án đều đúng, trừ…): Thông tin không được nhắc đến trong bài hoặc thông tin sai sẽ là câu trả lời được chọn.
4. Vocabulary questions (giải nghĩa từ vựng, tìm từ gần nghĩa…): Hãy sử dụng câu và ngữ cảnh có chứa từ cần hỏi nghĩa, sử dụng logic để phán đoán nghĩa hoặc dùng phương pháp thay thế các lựa chọn lên từ cần tìm nghĩa, xem phương án nào hợp lý nhất.
5. Reference questions (câu hỏi liên hệ từ vựng): Từ này ám chỉ điều gì?…
6. Inference questions (câu hỏi suy diễn): Có thể là ám chỉ rằng, gợi ý là…
7. Questions on author’s purpose (mục đích của tác giả): Đáp án thường nằm sau chữ to (để…) hoặc cũng có thể ta phải tự lập luận ra đáp án;
8. Questions on author’s attitude (thái độ của tác giả): Dựa vào những câu có thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả khen, chê, ủng hộ, nghi ngờ…
9. The origin of the passage (nguồn gốc của bài viết): Bài viết được nhìn thấy ở đâu, nguồn nào…
Ba bước hoàn thành bài viết đoạn văn trong 20 phút
Để hoàn thành nhanh nhất bài viết đoạn văn, học sinh cần lưu ý những bước triển khai cơ bản.
Bước 1: Chuẩn bị
Đọc kỹ đề, xác định yêu cầu của đề bài thông qua những keyword.
Xuất phát từ keyword, vạch ra những nội dung có thể triển khai ở đoạn văn. Học sinh có thể dựa vào gợi ý ở đề bài và chọn ra 2, 3 ý chính hay nhất, sát nhất, nhiều cái để viết nhất để tiếp tục triển khai.
Ví dụ: Lợi ích của việc đọc sách có thể là thư giãn, trau dồi kiến thức, phát triển ngôn ngữ… Học sinh có thể chọn 2 nội dung chính để thư giãn, trau dồi kiến thức để triển khai.
Bước 2: Viết
Viết câu mở đoạn, thường là câu chủ đề của bài viết (topic sentence), trả lời trực diện vào câu hỏi ở đề bài.
Triển khai hai, ba ý chính đã xác định ở bước chuẩn bị. Mỗi ý chính được diễn giải, làm sáng tỏ bằng bằng các ý nhỏ. Học sinh có thể dùng thêm dẫn chứng để ý chính thêm sinh động và thuyết phục.
Ví dụ: Đọc sách giúp thư giãn như thế nào, đọc sách giúp trau dồi kiến thức như thế nào.
Tìm từ nối liên kết 2,3 ý chính trên thành phần thân đoạn.
Viết câu kết để khẳng định lại vấn đề.
Bước 3: Rà soát
Rà soát bố cục bài viết, lỗi chính tả, sự hài hòa giữa chủ ngữ và động từ, cách dùng mạo từ, dấu câu, từ nối…
Lưu ý: Mặc dù có mở đoạn, thân và kết đoạn nhưng chỉ được trình bày trong một đoạn văn.
Cả hai phần khó này đều yêu cầu học sinh vốn từ, hiểu biết xã hội, cách tư duy phân tích thông tin. Vì vậy, mỗi ngày, học sinh dành khoảng 10-15 phút để đọc các bài Tiếng Anh trong SGK, đề tự luyện, sách tham khảo, tạp chí, mạng Internet… để mở rộng vốn từ và tập cách diễn giải thông tin.
Chúc các bạn ôn tập kiến thức thật tốt!