Còn 4 tháng ôn thi Sinh học: Chuyện nhỏ!

Còn hơn 4 tháng nữa là đến kỳ thi THPT quốc gia 2016, đây sẽ là giai đoạn quyết định việc các em có mở được cánh cửa đại học hay không.

Còn hơn 4 tháng nữa là đến kỳ thi THPT quốc gia 2016, thời gian không chờ đợi ai, đây sẽ là giai đoạn quyết định việc các em có mở được cánh cửa đại học hay không. Chính vì vậy, giai đoạn này dù thế nào đi nữa cũng cần có sự quyết tâm rất lớn và đầu tư nghiêm túc về mặt thời gian.
1. Tổng hợp, rà soát lại các kiến thức đã có
Điều đầu tiên các em cần biết mình đang đứng ở đâu hay nói cách khác là tình trạng năng lực hiện tại của bản thân mình. Các em cần rà soát lại toàn bộ những kiến thức đã học được. Đề thi môn Sinh học nằm hầu hết trong chương trình lớp 12, các em cần căn cứ vào cấu trúc đề thi để đánh giá những gì mình đang có (phân tích cấu trúc đề thi 2015 – Hocmai)
PHÂN TÍCH CẤU TRÚC ĐỀ THI THPT QUỐC GIA MÔN SINH HỌC NĂM 2015
Chuyên đề kiến thức
Số câu hỏi trong đề thi
Nhận xét, đánh giá mức độ câu hỏi
Cơ sở vật chất và cơ chế di truyền

12 câu:
8 câu lí thuyết
4 câu bài tập
Cơ sở vật chất và cơ chế di truyền chiếm số lượng lớn nhất câu hỏi trong đề thi, chủ yếu cần học hiểu kĩ lý thuyết và vận dụng vào bài tập
Số câu hỏi khó và độ nhiễu tăng có xu hướng tăng
Quy luật di truyền
11 câu:
2 câu lí thuyết
9 câu bài tập
Quy luật di truyền chiếm số lượng lớn câu hỏi trong đề thi, chủ yếu được ra dưới dạng bài tập.
Trong đề thi năm 2015 có tăng 2 câu so với năm 2014, mức độ khó tương đương so với 2014, chủ yếu là các dạng bài tập vận dụng và vận dụng cao.
Di truyền quần thể
1 câu lý thuyết, 4 câu bài tập
Di truyền quần thể được ra dưới dạng bài tập là chủ yếu. Mức độ khó có xu hướng tăng dần
Ứng dụng di truyền học
3 câu lí thuyết
Giống như năm 2014, Ứng dụng di truyền học được ra dưới dạng 3 câu hỏi lí thuyết. Các câu hỏi chủ yếu ở mức độ dễ. Học sinh chỉ cần ghi nhớ kiến thức SGK là có thể làm tốt phần này.
Di truyền người
1 câu lý thuyết, 1 câu bài tập
Di truyền người được ra dưới dạng 1 câu lí thuyết, 1 câu bài tập. Trong đó, bài tập di truyền phả hệ thuộc mức độ khó, câu lý thuyết về các bệnh di truyền mức độ dễ
Bằng chứng tiến hóa
1 câu lí thuyết
Năm 2014 không có câu hỏi phần bằng chứng tiến hóa, nhưng đề thi năm 2015 có 1 câu hỏi phần này (giống năm 2013 về trước) ở mức độ dễ
Cơ chế tiến hóa
4 câu lí thuyết
Số lượng câu hỏi giảm 1 nửa so với năm 2014, câu hỏi lí thuyết ở mức độ dễ- trung bình, có 1 câu khó
Sự phát sinh và phát triển của sự sống trên Trái đất
1 câu lí thuyết
Chuyên đề này thường được xuất hiện trong 1 câu hỏi lí thuyết ở mức độ dễ
Chuyên đề Sinh thái
Bao gồm: (Cá thể, Quần thể, Quần xã sinh vật, Hệ sinh thái – sinh quyển – môi trường)
10 câu lí thuyết, 1 câu bài tập
Số lượng câu hỏi bằng với đề thi năm 2014, các câu hỏi tập trung ở mức độ thông hiểu và vận dụng, kiến thức gắn liền với thực tiễn. Có 1 câu bài tập phần hệ sinh thái
Ngoài ra các em có thể kiểm tra kiến thức theo đề kiểm tra của từng chương trong Pen-C, đề thi thử THPT quốc gia để đánh giá rõ hơn tình trạng hiện giờ của bản thân.
Bước tiếp theo, các em cần lên kế hoạch rõ ràng trong 4 tháng tới, đã lên kế hoạch là phải cố gắng thực hiện theo, vì thời gian không có để cho các em học bù.
2. Đặt mục tiêu và bám đuổi mục tiêu
Với các mục tiêu điểm số khác nhau thì khối lượng kiến thức các em cần nắm sẽ khác nhau, nhưng phải nắm rất chắc kiến thức đó, bằng không các em sẽ không đạt được mục tiêu vì khi đi thi có rất nhiều điều có thể xảy ra. Thầy đưa ra các trọng tâm cần phải nắm như sau:
 
Các dạng bài thường gặp cho từng chuyên đề:
+ Chuyên đề 1: Cơ sở vật chất, cơ chế di truyền và biến dị
            * Câu hỏi dạng lý thuyết: về cấu trúc ADN, gen, mã di truyền, nhân đôi ADN, phiên mã, dịch mã, điều hòa hoạt động gen, đột biến gen, nguyên phân, giảm phân, đột biến nhiễm sắc thể
            * Câu hỏi dạng bài tập: dạng bài tập tính số lượng, phần trăm các nucleotit, bài tập về quá trình nhân đôi, phiên mã, dịch mã (số nu, số axitamin môi trường cung cấp, số mồi…), bài tập về đột biến gen, các bài tập về nguyên phân, giảm phân (bài tập về xác định giao tử trong giảm phân có xảy ra đột biến, số lượng giao tử ở tế bào sinh tinh, tế bào sinh trứng)
+ Chuyên đề 2: Quy luật di truyền
* Câu hỏi dạng lý thuyết đơn giản: cơ cở tế bào học các quy luật, điều kiện nghiệm đúng các quy luật, tỉ lệ cơ bản …
* Câu hỏi dạng bài tập: các bài tập về tính xác suất trong các quy luật: Phân li độc lập, liên kết gen, hoán vị gen, gen liên kết với giới tính, di truyền ngoài nhân, tương tác gen; chú ý các dạng bài toán về giao tử, tính phần trăm kiểu hình kiểu gen ở đời con, xác định kiểu gen ở bố mẹ, các bài tính tần số hoán vị gen, bài tập tích hợp các quy luật di truyền, tính số phép lai thỏa mãn, tỉ lệ các alen trội lặn ở đời con.
+ Chuyên đề 3: Di truyền quần thể
            * Câu hỏi lý thuyết cơ bản: đinh luật hacdi-vanbec, quần thể tự phối…
            * Câu hỏi bài tập: bài tập về quần thể tự thụ, bài tập về quần thể ngẫu phối (tính số lượng kiểu gen, kiểu hình tối đa trong quần thể, xác định số kiểu giao phối, xác định cấu trúc di truyền, xác định quần thể cân bằng, xác suất trong di truyền quần thể)
+ Chuyên đề 4: ứng dụng di truyền học vào chọn giống: bao gồm các dạng câu hỏi lý thuyết chọn giống bằng phương pháp lai tạo, phương pháp tế bào học, phương pháp đột biến, sử dụng kĩ thuật gen
+ Chuyên đề 5: Di truyền người
            * Câu hỏi dạng lý thuyết: về các bệnh, tật di truyền
            * Câu hỏi dạng bài tập: các bài tập dạng phả hệ, tính xác suất sinh con mang một vài tính trạng nào đó
+ Chuyên đề 6: Tiến hóa: gồm các câu hỏi lý thuyết về bằng chứng tiến hóa, các học thuyết tiến hóa, các nhân tố tiến hóa (cơ chế tiến hóa), câu hỏi về sự phát sinh và phát triển của sự sống trên trái đất
+ Chuyên đề 7: Sinh thái: các câu hỏi lý thuyết về cá thể, quần thể, quần xã, hệ sinh thái, sinh quyển và bảo vệ môi trường, đặc biệt chú ý các câu hỏi ứng dụng, bài tập sinh thái: tính hiệu suất sinh thái, tổng nhiệt hữu hiệu…
Tương ứng với các mục tiêu điểm số, các kiến thức trọng tâm sau cần phải nắm:
  • Mục tiêu 5-6 điểm: các em cần nắm cơ bản nội dung lý thuyết sách giáo khoa, nắm vững một số dạng bài tập cơ bản: dạng bài tập tính số lượng, phần trăm các nucleotit, bài tập về quá trình nhân đôi, phiên mã, dịch mã (số nu, số axitamin môi trường cung cấp, số mồi…), Một số bài đơn giản về tìm kiểu gen bố mẹ, tỉ lệ đời con ở thế hệ sau khi có 1 quy luật di truyền chi phối.
  • Mục tiêu 7 điểm: Cần nắm thêm phần di truyền quần thể: tính số lượng kiểu gen, kiểu hình tối đa trong quần thể, xác định số kiểu giao phối, xác định cấu trúc di truyền, xác định quần thể cân bằng, bài tập về cấu trúc ADN khi có đột biến gen, các bài tập cơ bản về nguyên phân, giảm phân (bài tập về xác định giao tử trong giảm phân có xảy ra đột biến, số lượng giao tử ở tế bào sinh tinh, tế bào sinh trứng).
  • Mục tiêu 8-9 điểm: Tính xác suất trong các quy luật di truyền, trong di truyền quần thể, di truyền phả hệ, xác suất tạo giao tử khi có đột biến, tính số phép lai thỏa mãn, tỉ lệ các alen trội lặn ở đời con, tính phần trăm kiểu hình kiểu gen ở đời con, xác định kiểu gen ở bố mẹ, các bài tính tần số hoán vị gen, áp dụng hệ thức Đề-các-tơ.
  • Mục tiêu 10 điểm: Các bài tập tích hợp các quy luật di truyền (đặc biệt kết hợp tương tác gen, hoán vị gen, liên kết giới tính), các bài tập xác suất khó trong tạo giao tử khi có đột biến, di truyền phả hệ nhiều tính trạng.
3. Lên kế hoạch học tập
           
Sau khi căn cứ vào năng lực hiện tại và mục tiêu của bản thân các em cần lên kế hoạch cho phù hợp. Một số lưu ý cho các em như sau:
 + Lên kế hoạch từ tổng quát đến chi tiết, theo từng tháng, rồi cụ thể theo từng tuần, các nội dung, kiến thức cần phải học, phải đạt được.
+ Làm thời gian biếu rõ ràng, tích đánh dấu những mục đã đạt được, kiểm chứng kết quả học tập bằng các đề ôn luyện cuối chương.
+ 15 ngày cuối cùng không phải dành cho học cái mới nữa mà dành cho ôn tập nắm chắc kiến thức đã học được trước đó.
4. Phương pháp học
 
Dùng sơ đồ tư duy: tự lập cho mình sơ đồ tư duy theo từng chương, từng phần, để tổng quát được kiến thức, tránh bỏ sót kiến thức. Hãy tự lập sơ đồ cho bản thân mình, đừng dùng của người khác, đó là tư duy của họ, mỗi người là khác nhau, các em chỉ dùng để tham khảo sau đó vận dụng lại cho mình nhưng phải đúng.
– Học theo phương pháp so sánh đối chiếu: trong Sinh học luôn có các hiện tượng đối lập nhau, khác nhau, vì thế học theo cách so sánh sẽ tăng khả năng ghi nhớ.
– Không được bỏ sót ví dụ sách giáo khoa, phân tích nó bằng kiến thức lý thuyết em học được, tại sao nó lại như vậy, sách giáo khoa không thể đưa hết các ví dụ trong tự nhiên, nên khi các em hiểu được ví dụ sgk thì các em sẽ giải thích được các ví dụ khác. Không được bỏ qua hình ảnh, sơ đồ trong SGK, đó là cái mà đề thi hay đánh vào, xuất phát từ thực tế các em học rất ít khi nhìn hình vẽ, sơ đồ SGK mà thường học theo kiểu học thuộc.
– Ghi nhớ các thuật ngữ: Sinh học là môn có rất nhiều các thuật ngữ khoa học, hãy liệt kê, lập bảng, định nghĩa và ghi nhớ chúng. Thực tế là các từ thuật ngữ này đã nói lên bản chất vấn đề rồi: VD: Đột biến tức là biến đổi đột ngột…
– Học và ôn tập kết hợp luyện đề, trung bình 1 tuần 2 đề, như vậy 8 tuần các em sẽ học xong khóa PEN-I. Học đến đâu, luyện đề đến đó. Giai đoạn luyện đề không phải là xem được bao nhiêu điểm mà kiến thức đạt được bao nhiêu.
5. Định hướng cụ thể cho các nhóm học sinh
Người xưa đã có câu “biết mình, biết ta, trăm trận, trăm thắng”. Điều quan trọng với các em không phải hiện tại các em có gì mà khi đi thi các em có gì. Đừng lo lắng, đừng hoang mang vì bạn bè học xung quanh học đến đâu, hãy lấy đó làm động lực. Dù học nhanh hay học chậm thì 1/7 các em sẽ thi cùng nhau. Quan trọng là các em sẽ làm gì từ nay đến 1/7.
  • Đối với học sinh mất gốc, mới bắt đầu ôn thi: Đây sẽ là thử thách rất lớn cho các em nhưng trước hết phải bình tĩnh, quan trọng là kiên trì và quyết tâm các em nhé. Đầu tiên các em cần phải nắm được cấu trúc đề thi, nội dung cần ôn tập trước (có thể thông qua đề thi 2015, xem cấu trúc khóa học PEN-C, cấu trúc đề thi) từ đó có kế hoạch ôn lại từ đầu, ôn tập các phần dễ trước. Với các em có học lực trung bình mới bắt đầu ôn thi không nên đặt mục tiêu quá cao, chọn mục tiêu điểm thi phù hợp để lựa chọn các phần trọng tâm. Phần Sinh thái và tiến hóa hoàn toàn kiến thức sách giáo khoa và 99% là lý thuyết, đa phần là câu hỏi mức độ dễ đến vận dụng, vì thế 1 tháng là đủ cho các em ôn tập. Mấu chốt là phần di truyền: lý thuyết về ADN, NST cần nắm vững, ôn tập các dạng bài tập cơ bản về cấu trúc ADN, các quy luật di truyền đơn giản, phả hệ đơn giản, cấu trúc quần thể đơn giản trước. Sau đó các bài tập về đột biến, xác suất ôn sau. Muộn nhất là đến đầu tháng 5 phải bắt đầu luyện đề thông qua Pen-I (15 đề trong 6 tuần). Học đến đâu kết hợp luyện đề đến đó, học đến phần nào thì làm đề liên quan đến phần đó.
  • Đối với học sinh đã có căn bản: Giờ là thời điểm để các em bắt tay vào luyện đề Pen-I với tần suất ít nhất 3 đề/2 tuần. Cố gắng đến giữa tháng 4 các em có thể ôn luyện các chuyên đề nâng cao hơn nhằm tối ưu hóa điểm số. Nhưng không được quên ôn lại các kiến thức cơ bản, các dạng bài đã làm được. Vì thực tế khi đi thi nhiều em lại sai những kiến thức cơ bản.
Nhưng hơn hết, không ai hiểu rõ bản thân mình bằng chính các em, hãy chọn mục tiêu cho phù hợp, nhận biết bản thân, hãy kiên định theo con đường đã chọn, hãy cố gắng bằng cả trái tim mình, nỗ lực hết khả năng để không bao giờ phải nói hai từ “giá như”.
Chúc các em thành công!

 

 Nghiên cứu sinh Đinh Đức Hiền
Tải ứng dụng HOCMAI

HOCMAI miễn phí nhiều khóa học bổ trợ – đề thi thử – phương án học tập và ôn luyện bứt phá 9+ đanh cho học sinh lớp 1-12. Tải & hoàn thành đăng ký tài khoản để nhận ngay những khóa học bổ trợ miễn phí!