Teen 2k5 sẽ đạt điểm cao bài kiểm tra giữa học kỳ I môn Hóa học lớp 8 bằng cách nhớ ngay 4 lưu ý siêu dễ dưới đây.
Lên lớp 8 các bạn học sinh sẽ làm quen với môn Hóa học. Đây là môn học mới lạ và cần các bạn nắm chắc ngay từ những bài đầu nếu không sẽ bị “mất gốc” kiến thức. Dưới đây là 4 lưu ý cho các bạn để học tốt môn Hóa và đạt điểm cao trong bài kiểm tra giữa học kỳ I (hay còn gọi là bài kiểm tra 1 tiết, 45′) nhé.
1.Phân biệt được các khái niệm
Trong môn Hóa học có rất nhiều khái niệm cần các bạn học sinh nắm rõ để không bị lẫn lộn. Theo đó khi học các bạn nên chú ý nghe giảng và chịu khó đọc trước bài học trong sách giáo khoa để phân biệt được các khái niệm: Chất là gì? Nguyên tử, Phân tử là gì? Ngay từ đầu các bạn cần hiểu bản chất của chúng để tránh tình trạng chỉ nghe thầy cô nhắc đi nhắc lại mà chả hiểu đó là gì, thì sẽ chỉ như học vẹt.
Để học tốt môn Hóa học thì quan trọng là bạn phải biết các nguyên tố hóa học, đơn chất, hợp chất là gì? Ví dụ như đơn chất sắt, đồng, hợp chất muối ăn Nacl gồm Na và Cl…. Cùng với đó là đặc điểm cấu tạo, trạng thái tự nhiên của chúng nữa nhé.
2. Nắm được công thức phản ứng hóa học, hóa trị của các nguyên tố
Theo chia sẻ của các bạn dân chuyên Hóa, có kinh nghiệm học tốt môn này thì một trong những phương pháp giúp nhớ nhanh, nhớ lâu các công thức phản ứng hóa học, hóa trị của các nguyên tố là làm thật nhiều bài tập, theo cấp độ từ dễ đến khó để nắm chắc kiến thức.
Tuy nhiên bước đầu tiên để làm được bài tập cơ bản thì chúng ta sẽ phải học thuộc phản ứng, hóa trị và nguyên tử khối của các chất hay dùng và hay bắt gặp như các chất khí: O2, H2, N2, Cl2, các kim loại và phi kim loại: K, Na, Mg, Fe, Cu,….sau đó mở rộng dần ra với các nguyên tử và phân tử khác.
Bên cạnh đó các bạn có thể áp dụng một số “mẹo” giúp học thuộc dễ dàng là “Bài ca hóa trị” được rất nhiều thế hệ học sinh áp dụng do thầy cô “mách nước” đó. Với mẹo này thì hóa trị, nguyên tử khối dù nhiều cũng không làm bạn phải nhụt chí nữa.
3. Biết viết phương trình hóa học
Phương trình hóa học là một trong những kiến thức cơ bản đầu tiên và cũng là trọng tâm của môn Hóa học. Ngay từ năm lớp 8 nếu bạn hiểu và nắm được cách cân bằng các phương trình hóa học thì bạn mới có thể học tốt môn học này ở bậc nâng cao.
Có rất nhiều cách để cân bằng phương trình hóa học, do vậy bạn cần đọc và hiểu kỹ các cách này để áp dụng với nhiều phương trình khác nhau.
Bạn nên tập viết thật nhiều, viết lại các phương trình hóa học, bắt đầu từ ví dụ cô đã cho trên lớp và các phương trình tương tự để nhớ cách viết, nhớ hóa trị và làm quen với tất cả các phương trình hóa học có thể gặp. Đồng thời cũng nhớ các điều kiện cho phản ứng xảy ra, cách cân bằng phương trình.
Ví dụ với phương trình: C3H8 + O2 –> H2O + 3CO2 để cân bằng thì các bạn thêm hệ số cho đơn nguyên tử cacbon vào bên phải của phương trình để cân bằng nó với 3 nguyên tử cacbon ở bên trái của phương trình.
4. Luyện tập thường xuyên với các dạng bài tập
Bài tập hóa học của chương trình lớp 8 mới chỉ dừng lại ở việc nhận biết các chất, viết phương trình phản ứng, tính số mol, các nồng độ dung dịch… Do vậy các bạn hãy học thuộc các công thức chuyển đổi n, m, M, V và các nồng độ dung dịch C% và CM.
Nhớ cụ thể đơn vị, làm nhiều bài tập, nắm nguyên tắc làm bài: viết và cân bằng phương trình hóa học, đổi các dữ kiện của đề ra số mol, xác định được dạng bài tập sau đó sử dụng các số mol để tính toán các yêu cầu của đề bài.
Chỉ có luyện tập thường xuyên thì bạn mới nắm chắc kiến thức, rút ra kinh nghiệm và trau dồi kỹ năng cho bản thân để học tốt môn Hóa, đạt điểm cao trong bài kiểm tra 1 tiết giữa học kỳ I nhé.