Đề thi môn Toán năm 2016 được đánh giá là khá khó với nhiều sự thay đổi. Từ đề thi này, học sinh vừa lên lớp 12 cần lưu ý những điều gì để bắt đầu năm học cuối cùng một cách hiệu quả nhất.
Thầy Lưu Huy Thưởng (Hệ thống giáo dục HOCMAI) đã phân tích đề thi THPT quốc gia môn Toán năm 2016 và đưa ra 5 lời khuyên để học sinh chuẩn bị lên lớp 12 rút ra những bài học kinh nghiệm, sẵn sàng cho năm học cuối cùng đầy cam go.
1. Kiến thức lớp 12 chiếm đến 70%
So với đề thi môn Toán những năm trước, tỉ trọng kiến thức lớp 12 tăng lên, chiếm đến khoảng 70% đề thi. Trong đó, nhóm câu hỏi cơ bản trong đề thi phần lớn thuộc chương trình lớp 12. Học sinh chỉ cần chăm chỉ làm bài tập trong sách giáo khoa là hoàn toàn có khả năng đạt đủ điểm phần này. Các câu cơ bản gồm: I, II, III, IV, V, VII (ý 1) thuộc chương trình 12.
Đối với các câu phân loại từ 7 điểm trở lên học sinh cần có sự kết hợp tốt giữa kiến thức lớp 10, 11 với kiến thức lớp 12, đặc biệt là kỹ năng về đạo hàm, đánh giá hàm, giá trị lớn nhất, nhỏ nhất.
Vì vậy, học sinh chuẩn bị lên lớp 12 cần đặt năm học cuối làm trọng tâm để tiếp thu kiến thức SGK một cách bài bản. Câu nói: “Đề thi bám sát SGK” chưa bao giờ là một câu nói đùa.
2. Đề thi đề cập đến mọi “ngõ ngách” kiến thức toán học phổ thông.
So với dạng đề thi những năm trước đây, đề thi THPT quốc gia môn Toán năm 2016 được đánh giá là linh hoạt, không cứng nhắc về trật tự và độ khó các câu. Ví dụ: Mọi năm đề sẽ ra 1 ý liên quan đến giải phương trình, bất phương trình mũ, logarit thì năm nay đề ra một bài liên quan đến tính giá trị biểu thức logarit. Mức độ khó giữa các câu cũng khác so với những năm trước. Vì vậy, nếu học học tủ, học lệch thì rất dễ lúng túng hoặc tính nhầm, tính sai. Ví dụ: câu hình học không gian, ý thứ 2 phần lớn là tính khoảng cách hoặc góc thì năm được thay bằng ý chứng mình vuông góc. Điều này sẽ khiến khá nhiều bạn học sinh bị bất ngờ (cảm giác như bị lệch tủ).
Vì vậy, học sinh chuẩn bị lên 12 khi ôn tập cần tránh lệ thuộc quá nhiều vào đề thi những năm trước, đề thi thử mà học tủ, học lệch. Cần học có trọng tâm nhưng không được bỏ qua bất kì phần kiến thức nào.
3. Phân biệt rõ các định nghĩa, khái niệm trong toán
Đối với những câu mang tính phân loại cao trong đề thi đòi hỏi học sinh phải cực kì cẩn thận trong quá trình phân tích đề, một sơ suất nhỏ có thể dẫn đến một điểm trừ lớn. Điển hình như bài xác suất thống kê, mặc dù đây vẫn thường được đánh giá là dễ, tuy nhiên, năm nay, nhiều học sinh thường mắc phải sai lầm như:
+ Không phân biệt được chỉnh hợp và tổ hợp. Đáng lẽ, phải dùng công thức chỉnh hợp thì nhiều bạn lại dùng công thức tổ hợp.
+ Không phân biệt giữa quy tắc cộng và quy tắc nhân.
Mặc dù là kiến thức cơ bản nhưng nếu không học kĩ, không nắm chắc khái niệm/định nghĩa thì dễ mắc sai lầm. Đó chính là điều học sinh chuẩn bị lên 12 cần hết sức lưu ý.
4. Năng nhặt chặt bị từng 0.25 điểm môn Toán
Trong quá trình ôn thi, nhiều học sinh đã xác định trước những câu sẽ bỏ khi làm bài, ví dụ như bỏ qua câu hỏi Bất đẳng thức. Đề thi năm nay, trong những câu mang tính phân loại học sinh mức độ 9, 10 vẫn có những ý/những bước làm rất dễ mà học sinh có thể kiếm từng 0.25 điểm.
Ví dụ: Câu VII thuộc phần Oxy, nhiều học sinh xác định bỏ, không đọc đề. Nhưng trong bài này, có ý tính tọa độ điểm P là 1 ý vô cùng đơn giản. Học sinh hoàn toàn có để được 0,25 điểm ý này.
Năm nay, câu 10 đã được “mềm hóa” khi chia làm 2 ý, ý thứ nhất các bạn chỉ cần ôn tập, biết một chút là vẫn có khả năng được 0,5 điểm.
Nếu như giữ suy nghĩ, “cứ gặp câu khó xác định là bỏ” thì học sinh có thể bỏ mất 0,75 điểm một cách đáng tiêc.
5. Chiến thuật khi ôn thi
Với những bạn có mục tiêu từ 7 điểm trở lên hãy luyện 2 “chiêu”:
– Chiêu 1: Hãy tập tính. Học sinh sẽ thấy đề thi có những câu hỏi khá cồng kềnh. Tập tính ở đây là việc tập làm quen với những bài cồng kềnh, đôi khi kết quả ra hơi lẻ. Việc tập tính sẽ giúp đầu óc các bạn tập quen với áp lực, những bài cồng kềnh, những bài số lẻ. Làm quen dạng này, bạn sẽ hạn chế tối đa việc tính nhầm hoặc không tự tin với những bài cồng kềnh. Tuyệt đối đừng nghĩ: “Cồng kềnh như này chắc khó lắm!”.
– Chiêu 2: Tổng hợp kiến thức mình đã học được. Kiến thức để được 7,8,9,10 đòi hỏi khá sâu và rộng. Mỗi ngày, bạn sẽ học được vô vàn kiến thức mới, phương pháp mới để xử lý 1 vấn đề. Nếu bạn không tự tổng hợp thì mỗi khi dùng đến bạn sẽ khá gượng gạo. Đã bao giờ trong giờ kiểm tra bạn đã gặp 1 bài bạn đã được làm, được đọc đáp án mà bạn không tài nào nhớ nổi cách làm chưa? Chính vì thế cần tổng hợp.