Nhiều teen 2k6 đang chuẩn bị cho kì thi vào 10 sắp tới, ngoài việc chuẩn bị thật tốt cho kì thi sắp tới, chắc hẳn những lo lắng không biết cần làm gì khi vào 10 cũng nhen nhóm xuất hiện. Nói chung là hầu hết các sỹ tử cũng sẽ vào học lớp 10, dù có thể không vào được ngôi trường mơ ước. Chuyển cấp học sẽ chắc chắn có những điều mới lạ. Những điều gì cần làm trước khi vào lớp 10?
1. Tìm hiểu ngôi trường mới
Có thể khi lựa chọn thi vào lớp 10, bạn đã tìm hiểu về ngôi trường mới. Nhưng bây giờ cần tìm hiểu kỹ hơn nhé!
– Tìm hiểu trực tuyến: Bạn có thể vào trang điện tử của trường để xem giới thiệu về trường, các tin tức và hình ảnh về hoạt động của trường. Nếu trang điện tử của trường cập nhật ít thông tin thì bạn có thể tìm tới fanpage của trường trên FB (đôi khi do chính các anh chị lớp trước tạo ra). Bạn có thể biết được nhiều thông tin: thời điểm nhập học, thủ tục nhập học, đồng phục học sinh, hình ảnh thầy cô dạy các môn, thành tích học tập và những sự kiện của những năm học trước,…
– Tìm hiểu qua anh chị đã từng học trước: Nếu bạn quen các anh chị đã từng là học sinh của trường thì bạn có thể nhận được cả kho chuyện về trường, trong đó có khi còn biết được những thầy cô “đặc biệt” của trường nữa đấy. Những ai gây ấn tượng với các anh chị cũng có thể bạn sẽ được nghe kể nhiều câu chuyện thú vị, kể cả các bác, các chú bảo vệ của trường.
– Tìm hiểu trực tiếp: Bạn nên đến trường để lượn khắp trường để biết: các phòng học, phòng thí nghiệm, phòng giáo viên, hội trường, văn phòng Đoàn trường, thư viện, căn – tin, khu vệ sinh,…Sơ đồ cả ngôi trường sẽ nằm trong lòng bàn tay bạn nhé! Khi nhập học và bắt đầu sinh hoạt trong trường, bạn sẽ thấy tự tin và chủ động.
2. Tìm hiểu về chương trình học và sách giáo khoa
Bạn có thể bằng nhiều cách tương tự ở trên để biết chương trình học của lớp 10, đặc biệt là những tài liệu giáo khoa, tài liệu tham khảo. Nếu đã xác định chính xác thì bạn cũng có thể mua các tài liệu này và ngó qua một chút nhé! Chưa cần đọc để hiểu đâu!
3. Chuẩn bị về mặt tâm lý với những điều mới
Muốn vậy, bạn phải biết trước những điều khác với thời bạn học ở THCS. Bởi vào lớp 10 là lên một câp học mới – cấp THPT. Bạn cần biết:
– Bạn mới: Có thể bạn sẽ có một số người bạn cùng trường hoặc cùng lớp trước đây cũng vào ngôi trường này. Nhưng bạn cũng nên chuẩn bị tâm lý để bắt đầu tiếp xúc, làm quen với những người bạn mới từ các trường THCS khác cùng nhập học. Dù mới nhưng các bạn cùng khoá học, cùng tuổi nên việc chan hoà để làm quen nhau cũng không hề khó. Đừng mặc cảm khi có những người bạn mới đến từ những trường THCS nổi tiếng hơn trường cũ của bạn. Cứ nghĩ rằng: tất cả chúng ta đều là lính mới của một ngôi trường mới. Bây giờ chúng ta là những người bạn mới cùng trong một ngôi trường mới và bắt đầu chúng ta sẽ có những kỷ niệm đầu tiên với nhau trong ngôi trường này.
Những thầy cô và cách kiểm tra mới
– Thầy cô mới: Việc này bạn cũng đã từng gặp khi từ lớp 5 vào lớp 6. Bạn nên nhớ rằng: một học trò ngoan, lễ phép bao giờ cũng được thầy cô yêu quý. Thầy cô dạy THPT có thể có thầy cô nghiêm khắc hơn thời THCS vì yêu cầu với các bạn cũng sẽ cao hơn vì các bạn đã là học sinh cấp THPT. Đừng tỏ ra sợ hãi mà hãy tỏ ra kính trọng thầy cô ngay từ lúc tiếp xúc ban đầu.
– Cách kiểm tra mới: Nếu trước đây các thầy cô thường báo trước về việc làm bài kiểm tra trên lớp thì bây giờ có những “cú” kiểm tra không báo trước. Đôi khi còn ít phút cuối giờ, các thầy cô lại yêu cầu lấy giấy ra để làm bài kiểm tra “đột xuất”. Trước đây có thể bạn ít khi làm các bài trắc nghiệm thì bây giờ có thể gặp nhiều hơn. Trước đây có thể bạn được nhiều điểm 9, 10 những bây giờ rất có thể ngay những bài kiểm tra đầu tiên bạn bị “xơi” những điểm kém. Hãy bình tĩnh và quen với những cú “sốc” như vậy. Rất có thể việc kiếm được điểm 8 ở đầu năm lớp 10 là chuyện không dễ nhé!
Khối lượng kiến thức và những cách học tập hoàn toàn lạ lẫm
– Cách giao việc mới: Trước đây các thầy cô có thể soạn những bài tổng kết khá kỹ cho các bạn về học thì bây giờ có thể việc đó thầy cô yêu cầu các bạn làm. Hãy tự nhủ rằng: mình lớn rồi, mình phải học chủ động hơn.
– Khối lượng kiến thức mới: Trước dây có khi hệ thống cả năm học mới có ít công thức, còn bây giờ sau mấy tiết học đã thấy chằng chịt các công thức. Đừng hoảng bạn nhé! Các anh chị mình đều “gánh” được thì mình cũng “gánh” được thôi.
– Câu lạc bộ mới: Với cấp THPT có thể có nhiều câu lạc bộ mới mà thời THCS chưa có. Bạn hãy chuẩn bị tinh thần tham gia vào một câu lạc bộ nhé! Tham gia câu lạc bộ vừa làm cho tinh thần của bạn thoải mái hơn, vừa rèn luyện thêm được nhiều kỹ năng và kiến thức rất cần cho cuộc sống sau này.
– Nhóm học tập mới: Học ở THPT rất cần lập ra và tham gia các nhóm học tập. Đây không chỉ là một phương pháp học tập mà còn là một kỹ năng làm việc trong tương lai. Nếu bạn học chưa giỏi thì nên tham gia nhóm học tập với các bạn giỏi hơn để mình học hỏi. Nếu bạn học giỏi rồi thì việc cùng học với các bạn yếu hơn cũng là cách để kiến thức bạn vững vàng hơn khi giúp đỡ các bạn ấy.
4. Chuẩn bị kiến thức và phương pháp học tập
– Ôn lại kiến thức: Dù bạn được bao nhiêu điểm khi thi vào lớp 10 thì bạn vẫn cần ôn tập lại kiến thức đã học. Rất có thể những ngày “xả hơi” sau khi thi vào lớp 10 đã làm cho kiến thức cũ của bạn bị “rơi vãi”. Điều này có thể dẫn tới việc học tập những bài đầu tiên của một số môn học của bạn gặp những khó khăn nhất định. Tốt nhất là bạn chưa vội “đem cho” những cuốn sách, những cuốn vở học thời lớp 9 để mở ra xem lại nhé!
– Đọc trước một số bài ở sách giáo khoa mới: Tuỳ theo năng lực của bạn, có thể khi đọc bạn chưa hiểu hết những ít ra bạn cũng biết được những điều gì bạn sẽ được dạy ở đầu năm học. Điều này cũng giúp bạn nghe giảng tốt hơn, dễ hiểu hơn vì khi đọc trước mà có gì băn khoăn thì khi được nghe thầy cô giảng bạn sẽ cảm thấy hấp dẫn và dễ hiểu hơn.
– Tập cách ghi bài học: Có thể thời lớp 9 bạn đã có cách ghi bài học để về nhà dễ học hơn. Nếu chưa có điều ấy thì bạn nên tạo cho mình một cách ghi bài nhé! Bạn không cần phải ghi như “ghi âm” bài giảng của thầy cô mà cần ghi chính xác các ý chính. Từ các ý chính này, khi học bạn sẽ thấy hiện lên toàn bộ bài giảng của thầy cô ở lớp. Hay hơn nữa, những ý quan trọng hơn cần được đánh dấu đặc biệt hơn để lưu ý hơn khi về nhà học bài. Trong các ý quan trọng hơn có những nhấn mạnh về những kiểu hiểu sai, làm sai về một vấn đề hay kiến thức nào đó. Bạn có thể gạch chân hoặc dùng mầu mực khác hoặc bút đánh dấu khi đặc biệt hoá các ý quan trọng này ở vở ghi. Khi về nhà học, mở ra là bạn thấy thật hứng thú bởi không bị cả một “núi chữ” sừng sững trước mặt mà thấy một sự “thông thoáng” lôi cuốn. Không nhất thiết bạn phải nắn nót quá đâu nhé! Kẻo luôn chạy theo thầy cô không kịp.
Hãy mạnh dạn phát biểu ý kiến và lập thời gian biểu cho các môn
– Mạnh dạn phát biểu ý kiến: Đừng sợ phát biểu sai những cũng đừng phát biểu vội vàng. Hãy chuẩn bị kiến thức tốt và chú ý nghe giảng để có thể xung phong trả lời khi thầy cô hỏi. Các thầy cô sẽ lấy học sinh làm trung tâm nên những câu hỏi hay các yêu cầu sẽ đặt ra cho cả lớp nhiều hơn đấy! Những học sinh mạnh dạn trong học tập thường tiến bộ nhanh hơn và cảm thấy giờ học hứng thú hơn. Không chỉ trả lời các câu hỏi của thầy cô mà khi chưa rõ điều nào, bạn cũng mạnh dạn giơ tay đúng quy định để… hỏi ngay thầy cô nhé!
– Đừng “thiên vị” môn nào hơn: Lớp 10 mở đầu cho chương trình các môn ở cấp THPT, hãy tạo cho mình một động cơ học tập tốt tất cả các môn. Có thể với động cơ tốt sẽ giúp bạn học tốt hơn. Đừng tạo ra tâm lý chán ghét một môn nào đó. Nếu có sự tập trung hơn ở các môn mà mai kia sẽ là các môn của khối thi vào Đại học thì lớp 10 cũng chưa cần phải vội vàng làm điều này.
– Làm quen với máy tính cầm tay: Nếu như các bài tập ở lớp 9 ít dùng đến máy tính cầm tay thì vào lớp 10, các bạn sẽ được học và sử dụng máy tính nhiều hơn đấy! Hãy sắm cho mình một chiếc máy tính “đời” mới nhất nhé! Vì tính năng của “đời” mới nhất sẽ nhiều hơn và thuật toán mới giúp bạn sẽ “ấn” ít nút hơn khi cũng thực hiện một yêu cầu. Chỉ cần hỏi các anh chị đi trước là bạn sẽ biết cần có cho mình loại máy tính nào.
Tóm lại: Bạn sắp trở thành học sinh THPT rồi…Một điểm xuất phát mới với đích phấn đấu mới đang chờ bạn. Sau 3 năm học THPT, bạn sẽ làm gì? Học tiếp Đại học hay Cao đẳng hay Trường nghề? Câu trả lời có thể chưa có ngay bây giờ nhưng mọi điều đều có thể xảy ra, bạn nhé! Hãy ước mơ và hành động để đạt được ước mơ.
Chúc các bạn thành công!