Bạn có học môn Lịch sử bằng cách cầm sách “tụng kinh”? Bạn không biết làm thế nào để nhớ được hết bao nhiêu là chữ với một đống số liệu khô khan ấy? Chỉ với 5 tip học dưới đây thì môn Lịch sử không còn là thảm họa nữa đâu!
1. Học trên bản đồ để hiểu trận đánh
Điều lo ngại nhất ở các học sinh luôn là học thuộc trình tự diễn biến một trận đánh. Thường thì mọi người lao vào học thuộc lòng bằng mọi cách rồi sau đó cũng nhanh chóng quên mất. Vậy làm cách nào để thực sự hiểu một trận đánh diễn ra như thế nào?
Hãy nhớ lại các trận đánh được dựng lại trên phim Lịch sử: Các vị tướng quân đội luôn chỉ trỏ, nhăn nhó, tranh cãi gì đó với cái bản đồ để tìm ra chiến thuật đánh thắng kẻ địch đúng không?
Thử tưởng tượng mình chính là vị tướng đó (Nghe oách nhỉ? Hehe), vẽ nguệch ngoạc lên bản đồ trong khi tự thuyết trình như sách. Nghĩ thì buồn cười lắm nhưng chắc chắn điều đó sẽ giúp bạn hiểu một cách dễ dàng tại sao các nhà chiến lược quân sự lại quyết định trận đánh như vậy đấy.
2. Vẽ sơ đồ tư duy (Mind map)
Hiện nay sơ đồ tư duy là một trong những phương pháp học tập hiệu quả nhất, không những được vận dụng trong học tập mà còn được ứng dụng trong rất nhiều doanh nghiệp.
Thay vì cố gắng nhồi nhét tên những nhân vật Lịch sử rồi cuối cùng loạn xà ngầu, sao bạn không thử vẽ sơ đồ tư duy tên các nhân vật đó theo tên triều đại, địa vị xã hội và thân nhân? Mình nghĩ với sơ đồ này sẽ không còn ai nhầm Nguyễn Huệ và Nguyễn Du là hai anh em nữa đâu.
3. Học với Flashcard
Ngày thi đang đến gần, chỉ còn vài ngày nữa mà bạn còn chẳng thể nhớ nổi ngày 26/03/1931 là ngày nào thì hãy sử dụng ngay đến flashcard.
Flashcard là một loại thẻ phổ biến được sử dụng cho việc tập ghi nhớ. Một mặt của tấm thẻ chứa thông tin ngắn gọn dạng câu hỏi và mặt còn lại ghi câu trả lời. Flashcard “cổ điển” thường được sản xuất dưới dạng một tập giấy. Ngày nay khi thói quen sử dụng di động tăng cao, nhiều người thường lựa chọn cài ứng dụng flashcard ngay trên điện thoại thay vì mang theo một tập giấy lỉnh kỉnh như cũ.
Trong rất nhiều ứng dụng flashcard, mình muốn gợi ý cho bạn ứng dụng di động Crammer. Đây là một ứng dụng có 3 mặt flashcard: ngoài 2 mặt câu hỏi và đáp án như các flashcard bình thường, còn cho phép xuất hiện 1 mặt đưa ra gợi ý trong trường hợp bạn chưa nhớ ra đáp án. Ứng dụng này cũng cho phép bạn điền nội dung bằng hình ảnh bên cạnh nội dung chữ như các ứng dụng khác. Quá ư là hay ho, phải không nào?
4. Tự viết câu chuyện về Lịch sử bằng trí tưởng tượng
Tự viết câu chuyện Lịch sử của mình ư? Đúng vậy. Thay vì đọc những dòng khô khan trên sách giáo khoa thì hãy tự sáng tạo bằng cách liên kết các con số và sự kiện, tên nhân vật thành câu chuyện hài hước của riêng bạn.
Ví dụ chỉ với dữ kiện: “Năm 1854, Cao Bá Quát tham gia cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương ở Sơn Tây”. Hãy tưởng tượng vui vui thôi nhé: một “nam nhân” 18 tuổi mà trông như một cụ già 54 tuổi. Người cậu chàng Cao to và hay Quát nạt người khác (Bá Quát mà), đang tranh giành một hạt gạo đẹp lóng lánh (Mỹ Lương) với người khác ở trên núi (Sơn Tây).
Đây cũng là một trong những cách ghi nhớ được khuyên sử dụng bởi Adam Khoo – Tác giả cuốn sách “Tôi tài giỏi! Bạn cũng thế!” rất nổi tiếng tại Việt Nam. Bằng cách liên tưởng này, chúng ta đều có thể khiến lịch sử trở nên thú vị và dễ nhớ hơn rất nhiều.
5. Tụ tập bạn bè và học nhóm cùng nhau
Đến hơn 60% học sinh cảm thấy hiệu quả hơn khi học thuộc lòng bài học cùng với một nhóm bạn. Khi mắc lỗi, việc được người khác nhắc nhở sẽ khiến bạn nhớ lâu hơn.
Đôi khi trong khi học thuộc lòng có những nhầm lẫn ngốc nghếch cũng giúp cả lũ cùng phá lên cười. Còn điều gì tuyệt vời hơn khi vừa được học vừa được vui đùa cùng bạn bè? Đợi gì nữa mà không tụ tập và học nhóm Lịch sử với nhau thôi!