8h00 ngày 02/03/2016, trường ĐHQGHN chính thức mở cổng đăng kí dự thi kì thi Đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển đại học chính quy đợt 1 năm 2016. Thời gian đăng ký dự thi chia thành 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 02/03 – 22/03/2016; Đợt 2 từ ngày 05/8 – 15/8/2016. Hãy cùng HOCMAI phân tích cấu trúc đề thi Đánh giá năng lực năm nay nhé.
Đánh giá chung
Bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung gồm ba phần với tổng số câu hỏi là 140 câu tương ứng 140 điểm, tổng thời gian làm bài 195 phút với hai phần thi bắt buộc là Tư duy định lượng (50 câu hỏi, thời gian làm 80 phút) và Tư duy định tính (50 câu hỏi, thời gian làm 60 phút); phần Tự chọn (40 câu hỏi, thời gian làm 55 phút), thí sinh được lựa chọn một trong hai phần là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Dạng câu hỏi được sử dụng là Trắc nghiệm 4 lựa chọn, điền khuyết/tự tìm đáp án. Với cách thức này, tỉ lệ xác suất điền đúng do chọn ngẫu nhiên cũng giảm góp phần tăng chất lượng của đề thi.
Đề thi có xu hướng tiếp cận hướng ra đề của PISA đặc biệt là ở môn Ngữ văn ở những câu Đọc hiểu văn bản. Dạng câu hỏi mang tính ứng dụng vào thực tiễn trong cuộc sống có tần suất xuất hiện được nhiều hơn, đa dạng hơn.
Kiến thức trong đề thi môn Ngữ Văn được phân bổ khoảng 10% cho kiến thức lớp 10, 20% cho kiến thức lớp 11 và lớp 12 là 70%. Còn đối với môn Toán Học, khoảng 80% kiến thức trong đề thi nằm ở chương trình học lớp 12.
Các bạn thí sinh quan tâm có thể xem chi tiết dạng thức đề thi do ĐHQGHN công bố tại ĐÂY hoặc thi thử tại ĐÂY.
Lời khuyên cho thí sinh
Với học sinh lựa chọn ban Khoa học tự nhiên, các môn cần học là: Toán học, Ngữ văn, Vật lí, Sinh học, Hóa học. Thay vì học 3 môn theo phân ban như truyền thống, số môn học để ôn thi kì thi ĐGNL tăng lên nhiều hơn. Điểm khác biệt nhất là môn Ngữ Văn, môn học tưởng chừng bị xem là “không liên quan” đến học sinh ban Khoa học tự nhiên.
Môn học này cũng là môn “khoai” nhất với dân Tự nhiên. Bởi đây là môn học duy nhất theo tư duy định tính mà thí sinh phải học, hơn nữa bài thi có khá nhiều phần liên quan đến Tiếng Việt thực hành, kiểm tra kiến thức về ngôn ngữ, đọc hiểu văn bản cũng như khả năng nhận thức về cuộc sống, đồng thời còn kiểm tra cả cách hành văn và trình bày.
Vì thế, các bạn hãy cân nhắc thời gian, đầu tư ôn thi môn học này nhé!
Với học sinh học theo ban Khoa học xã hội, các môn cần học và thi là: Toán học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Nếu như theo truyền thống, Lịch sử và Địa lý là hai môn “khó nhằn” đối với những bạn theo ban D, thì thí sinh ban C lại “ngại” nhất môn Toán học.
Ngay bây giờ, bạn cần làm là lên một kế hoạch và mục tiêu điểm số với bài thi định lượng để các thí sinh học theo ban khoa học xã hội có thể hoàn thành các sản phẩm thuộc ban Khoa học tự nhiên theo truyền thống, cụ thể là môn Toán. Bên cạnh đó, các thí sinh cũng đừng quên rèn thêm kĩ năng liên quan đến việc làm các bài Đọc hiểu (khá giống bài thi PISA hoặc đề thi đại học môn Tiếng Anh) đồng thời nâng cao khả năng phản xạ nhanh trong việc sử dụng Tiếng Việt.
Cùng HOCMAI thử sức với bài thi mẫu kì thi Đánh giá năng lực năm 2016 tại ĐÂY nhé!
Chúc các bạn có một kế hoạch học tập tốt và đạt kết quả cao tại kì thi vẫn còn khá mới mẻ này.