Đề thi lạ của tỉnh Bắc Giang đến giờ vẫn chưa hạ nhiệt. Người ta hết bàn luận về việc hình ảnh trong đề có ý nghĩa gì đến việc có nên sử dụng những đề thi như vậy không, nhưng nhìn từ một góc độ khác thì những đề thi mở như thế chính là một nỗ lực để khuyến khích tư duy phản biện của học sinh.
>> Đề thi lạ ở Bắc Giang: “Luồng gió mới” gỡ rối vấn nạn điểm số?
Tư duy phản biện là khả năng phân tích, đánh giá độ chính xác của một thông tin thông qua việc soi chiếu thông tin ở nhiều góc độ. Tư duy phản biện vô cùng quan trọng, nó giúp học sinh trở thành người có chính kiến, phân biệt được phải trái đúng sai.
Tuy nhiên, học sinh Việt Nam thiếu kĩ năng phản biện trầm trọng. Thói quen tiếp thu kiến thức một chiều khiến các bạn học sinh không chịu động não tư duy.
Đối với những đề thi bình thường hỏi về một ý kiến, một vấn đề, sự sáng tạo của học sinh rất hạn chế. Nhưng với những đề thi mở như đề thi con thuyền và bóng đèn của tỉnh Bắc Giang, học sinh phải vận dụng sự quan sát, liên tưởng, tưởng tượng tối đa để nhận ra vấn đề.
Có thể nói, đề thi đã thành công khi khiến các bạn tự đưa ra góc nhìn, đưa ra những lập luận xác đáng và rất nhiều ý kiến phản hồi của các bạn học sinh. Đây chính là một bước tiến để các bạn học sinh phát triển tư duy phản biện.
Đã có rất nhiều lí giải thú vị xung quanh hình ảnh con thuyền và bóng đèn: có bạn cho rằng đấy là ẩn dụ của sáng tạo khoa học kĩ thuật và xã hội, có bạn cho rằng đó là ẩn dụ của cuộc sống và tri thức…
>> Vấn nạn điểm số của học sinh: Nhìn nhận sao cho đúng?
Bên cạnh đó, muốn có tư duy phản biện, các bạn cũng cần chuẩn bị cho mình một bề dày kiến thức, bắt đầu từ việc học tốt khi ngồi trên ghế nhà trường, sau đó học mở rộng ra những kĩ năng mềm, kĩ năng nghiệp vụ khác.
Tuy nhiên, học sinh không thể học với một tâm thế thụ động, tiếp thu thông tin một chiều mà cần có sự phản hồi, đánh giá, soi chiếu dưới nhiều lăng kính để phát hiện ra những chỗ hay chỗ dở, chỗ đúng chỗ sai.
Các bạn học sinh hãy đặt ra thật nhiều câu hỏi để tự mình đi tìm lời giải: Tại sao vấn đề lại như thế này, tại sao lại không phải thế kia, nhận định này có đúng không, nó đúng với tất cả hay chỉ đúng với một số… Hãy luôn giữ thái độ hoài nghi và chỉ thực sự tin tưởng khi đã tự chứng thực.
Cuối cùng, hãy chia sẻ những ý kiến của mình với người khác. Không kể đúng sai thì việc tự tin chia sẻ quan điểm vẫn luôn cần được cổ vũ.
Bạn nghĩ sao về vấn đề tư duy phản biện này, hãy bắt đầu thực hành ngay bằng cách comment những suy nghĩ của bạn nhé!