Bí quyết học thi

4 điểm cải tiến của chương trình Tiếng Anh mới

By hocmai.kithuat

January 24, 2018 08:28 AM

So với chương trình hiện tại, chương trình Tiếng Anh mới có 4 điểm cải tiến mà nếu như thực hiện thành công thì Tiếng Anh sẽ không còn là nỗi lo sợ của học sinh.

1. Chú trọng giao tiếp và phát triển bốn kĩ năng

Ngay từ những phần đầu tiên và xuyên suốt trong Dự thảo chương trình GDPT môn Tiếng Anh chính là mục tiêu phát triển năng lực giao tiếp tiếng Anh của học sinh, “năng lực giao tiếp là mục tiêu của quá trình dạy học; kiến thức ngôn ngữ là phương tiện để hình thành và phát triển các kỹ năng giao tiếp thông qua nghe, nói, đọc, viết”.

Theo đó, mục tiêu đầu tiên đặt ra cho từng cấp học luôn là kĩ năng giao tiếp của học sinh. Ví dụ, với cấp tiểu học, sau khi hoàn thành chương trình, học sinh có thể giao tiếp đơn giản bằng tiếng Anh thông qua nghe, nói, đọc, viết, trong đó nhấn mạnh hai kĩ năng nghe và nói. Điều này sẽ định hướng giáo viên ở các trường tiểu học tổ chức lớp học với đa dạng nội dung và phong phú hoạt động hơn. Quan trọng hơn cả, chương trình Tiếng Anh mới xác định “nhấn mạnh hai kĩ năng nghe và nói” cũng là xác định dạy ngôn ngữ thuận tự nhiên, giúp các em học sinh tiếp cận ngôn ngữ mới từ dễ đến khó, giúp việc tiếp thu và bối dưỡng dễ dàng đạt kết quả hơn.

Chương trình tiếng Anh mới chú trọng giao tiếp và phát triển bốn kĩ năng

2. Chương trình đồng tâm xoắn ốc

Chương trình đồng tâm xoắn ốc không phải là một điểm hoàn toàn mới, vì chương trình Tiếng Anh đang được dạy ở các trường phổ thông hiện nay cũng được thiết kế theo dạng thức này, nhưng chưa thực sự bài bản và có tính hệ thống. Điểm mới mà Dự thảo đưa ra, đó là 4 chủ đề xuyên suốt mỗi cấp học. Các chủ đề liên quan chặt chẽ với nhau và được thiết kế lặp lại có mở rộng qua các năm học của chương trình Tiếng Anh mới.

Chương trình tiếng Anh mới có chương trình đồng tâm xoắn ốc

Bốn chủ đề ở mỗi cấp học được chia đều cho hai học kỳ. Tên gọi của các chủ đề được thay đổi theo cấp học nhằm đáp ứng nhu cầu, mối quan tâm, hứng thú của học sinh theo đặc điểm lứa tuổi cũng như yêu cầu hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết cho học sinh.

Nội dung dạy học đi kèm theo hệ thống các chủ đề khái quát này là các chủ điểm cụ thể, các năng lực giao tiếp liên quan đến các chủ đề chủ điểm, danh mục kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp). Nội dung văn hóa được dạy học lồng ghép, tích hợp trong hệ thống các chủ đề, chủ điểm.

3. Nội dung mở, linh hoạt

Một trong những quan điểm xây dựng chương trình GDPT môn Tiếng Anh rất đáng hoan nghênh của Bộ GD-ĐT đó là “đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo và tính mở nhằm đáp ứng nhu cầu và phù hợp với điều kiện dạy học tiếng Anh đa dạng ở các địa phương.” Điều này được thể hiện qua việc Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra 4 chủ đề bắt buộc, còn hệ thống các chủ điểm cụ thể trong bản Dự thảo dành cho các cấp học chỉ là “gợi ý”.

Chương trình tiếng Anh mới có nội dung mở, linh hoạt

Người biên soạn tài liệu dạy học và giáo viên có thể thay đổi, điều chỉnh, bổ sung các chủ điểm sao cho phù hợp với chủ đề, đáp ứng nhu cầu, sở thích và khả năng học tập của học sinh để đạt được các mục tiêu đề ra trong chương trình. Để nâng cao hiệu quả dạy học chương trình Tiếng Anh mới, bên cạnh việc phối hợp các phương pháp dạy học, giáo viên cũng nên sử dụng hiệu quả các đồ dùng, thiết bị dạy học hiện đại trong quá trình dạy học, hướng dẫn học sinh sử dụng đồng bộ các tài liệu và phương tiện học tập như sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, học liệu điện tử, thiết bị nghe nhìn, công nghệ thông tin và truyền thông…

4. Tạo “thái độ tích cực” với “công cụ giao tiếp quốc tế”

Chúng ta không còn lạ gì với hình ảnh người đi làm Việt Nam, có chuyên môn nhưng hạn chế về giao tiếp tiếng Anh nên mất nhiều cơ hội phát triển và hợp tác nước ngoài. Một trong những lí do lớn nhất là do chương trình dạy học cũ tiếp cận “ngược”, chú trọng ngữ pháp và kĩ năng đọc viết, dẫn tới những cử nhân “câm điếc”.

Với khung chương trình mở, linh hoạt và mềm dẻo, chương trình GDPT mới môn Tiếng Anh ngoài việc đáp ứng nhu cầu và phù hợp điều kiện dạy học ở các địa phương khác nhau, còn mở ra cơ hội, cũng như thách thức cho những người thiết kế chương trình, giáo viên bộ môn khi thiết kế giờ học chương trình Tiếng Anh mới. Giáo viên cần hiểu rõ đặc điểm tâm – sinh lý của học sinh ở các cấp học khác nhau, coi học sinh là những chủ thể tích cực tham gia vào quá trình học tập, đồng thời tạo cơ hội cho học sinh sử dụng ngôn ngữ trong các ngữ cảnh, tình huống có nghĩa, sát với cuộc sống hằng ngày và tham gia vào các hoạt động giao tiếp thông qua nghe, nói, đọc và viết.

Chương trình tiếng Anh mới tạo “thái độ tích cực” với “công cụ giao tiếp quốc tế”

Học sinh sẽ được học cách sử dụng tiếng Anh như một công cụ không chỉ để giao tiếp, mà còn hỗ trợ việc tìm hiểu, học tập các môn học khác, hay xa hơn là phục vụ cho việc học tập suốt đời. Tạo “thái độ tích cực đối với môn học và việc học Tiếng Anh” ở học sinh không còn là niềm trăn trở của những cá nhân riêng lẻ nào nữa, mà đã trở thành mục tiêu giáo dục của cả ba cấp học. Đây là hướng tiếp cận hiện đại và bắt kịp tình hình thực tế trong cuộc cách mạng công nghiệp mới.

Có thể nói, chương trình GDPT tổng thể nói chung và chương trình Tiếng Anh mới nói riêng là một bước đi rất tham vọng nhưng vô cùng thiết thực. Đây hẳn sẽ là bàn đạp để ngay từ những tiết học Tiếng Anh đầu tiên trong đời, người học được học ngôn ngữ đúng nghĩa nhất.

Học tiếng Anh sẽ “dễ thở” hơn nhiều với lộ trình học rõ ràng, các khóa học truy cập mọi lúc mọi nơi từ các giáo viên trương TOP, hàng ngàn đề kiểm tra miễn phí cùng hỏi đáp 24/7 cực kỳ tiện lợi. Tất cả đang chờ em trên App HOCMAI – ứng dụng học trực tuyến hàng đầu Việt Nam.

Tổ bộ môn Tiếng Anh – Hệ thống Giáo dục HOCMAI