Bí quyết học thi

Muốn giành điểm cao môn Văn, teen 2k4 cần “nằm lòng” 3 điều sau

By ngoclh

September 26, 2018 16:06 PM

Để giành điểm 9, 10 môn Ngữ văn trong kỳ thi vào 10 – 2019 học sinh 2k4 cần nắm ngay lộ trình ôn thi toàn diện dưới đây do thầy Nguyễn Phi Hùng định hướng.

Học sinh phải nắm được xu hướng ra đề và cấu trúc đề thi

Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy bộ môn Ngữ văn bậc THCS, đặc biệt là luyện thi cho học sinh ôn thi Ngữ văn vào lớp 10 thầy Nguyễn Phi Hùng đã hướng dẫn học sinh lên lộ trình học và ôn thi hiệu quả đối với môn học này để giành điểm cao trong kỳ thi vào 10.

Theo thầy Hùng để giành điểm cao đối với môn Ngữ văn thì trước tiên học sinh phải nắm được xu hướng ra đề thi tại tỉnh thành mình đăng ký dự thi, bằng cách xem xét đề thi của năm vừa qua và một vài năm gần đây nhất.

Thầy đánh giá: “Xu hướng ra đề thi vào 10 của năm học 2018 – 2019 đang có những bước dịch chuyển đáng chú ý, thiên về kiểm tra đánh giá năng lực của học sinh hơn là kiểm tra các kiến thức nhớ, học thuộc bài. Những sự thay đổi này được thể hiện khá rõ ràng. Đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng làm bài, phải hiểu bản chất kiến thức của bài học thì mới có thể làm bài tốt được. Bên cạnh đó các em phải tích lũy cho mình kiến thức thực tế rất quan trọng. Không chỉ câu Nghị luận xã hội (NLXH) mà câu đọc hiểu cũng bám sát vào các vấn đề thực tiễn. Do vậy các em cần phải luyện tập thường xuyên để nâng cao kỹ năng và năng lực làm bài thi.”

Theo thầy Hùng để học tốt Ngữ văn thì teen cần phải đọc nhiều và viết nhiều

Về cấu trúc đề thi thầy Hùng đưa ra nhận xét: Đề thi vào 10 là đề thi riêng của mỗi tỉnh thành, cho nên cấu trúc đề thi có thể thay đổi. Nhưng về cơ bản thì không có sự khác biệt nhiều về phạm vi kiến thức, đó là chủ yếu tập trung trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Hoặc sẽ có phần kiến thức rơi vào chương trình lớp dưới như lớp 6,7,8 và phần này thường rơi vào phần đọc – hiểu văn bản. Để làm được phần này thì đòi hỏi học sinh phải có kiến thức tương đối rộng và nắm chắc bài học gồm nội dung văn bản, thơ, tác giả, giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản để diễn giải khi làm bài thi. Bên cạnh đó thầy cũng chỉ ra các dạng bài thường gặp trong đề thi cũng như cách thức làm bài để học sinh đặc biệt lưu ý, cụ thể như sau:

+ Đọc – hiểu văn bản: Hầu như đề thi của tỉnh thành phố nào cũng có dạng câu hỏi này. Đó sẽ là văn bản được trích từ các phương tiện thông tin báo chí truyền thông, văn bản chính luận trích từ cuốn sách hoặc văn bản nghệ thuật. Phần này đòi hỏi học sinh phải đọc nhiều thì mới tích lũy được kiến thức, cái nhìn đa chiều để vận dụng vào bài thi của mình.

+ Viết các đoạn văn hoặc bài văn nghị luận xã hội: Trong những năm gần đây thường thì đề thi Ngữ văn vào 10 sẽ ra câu hỏi là vấn đề gần gũi và thiết thực với đời sống hàng ngày, đề theo xu hướng mở để học sinh có thể bày tỏ quan điểm của mình để thuyết phục người đọc người nghe, chứ đề không chỉ đơn thuần là trình bày quan điểm về tư tưởng đạo lý như trước đây nữa. Do vậy để làm tốt phần này thì bản thân học sinh phải thường xuyên cập nhật thông tin, các vấn đề nổi cộm và mới nhất trong xã hội để có thể đưa ra được quan điểm cũng như cái nhìn đa chiều trong bài viết, để giành điểm cao ở câu hỏi chiếm trọng số điểm cao này.

+ Viết bài văn Nghị luận văn học:  Đề thi sẽ có dạng câu hỏi bình luận, phân tích hoặc đưa ra ý kiến đánh giá đối với một văn bản tác phẩm, một phần, một đoạn… Hoặc dạng bài so sánh bằng hai ngữ liệu như từ 2 tác phẩm văn học khác nhau và từ đó yêu cầu học sinh trình bày quan điểm của mình. Hoặc ở một số tỉnh thành đề thi sẽ xuất hiện dạng bài trắc nghiệm mang tính chất nhớ hiểu hoặc nhận diện đơn vị kiến thức bài học nên điểm của nó so với tổng thể đề thi cũng không cao. (thường từ 2 – 2,5 điểm).

Phải biết cách hệ thống trọng tâm kiến thức và nâng cao kỹ năng làm bài thi

Bên cạnh việc cập nhật xu hướng ra đề và cấu trúc đề thi thi thầy Nguyễn Phi Hùng cũng hướng dẫn học sinh 2k4 cách hệ thống kiến thức và kỹ năng làm bài thi môn Ngữ văn để đạt điểm cao trong kỳ thi vào 10.

Thầy cho biết: “Trong đề thi vào 10 kiến thức chiếm trọng số tối đa vẫn là Ngữ văn 9, các em nên chú trọng vào ôn các văn bản tác phẩm và bản bản thơ (bao gồm của Văn học trung đại và Văn học hiện đại Việt Nam) còn văn học nước ngoài khả năng xuất hiện trong đề thi là rất ít. Bên cạnh đó trong quá trình ôn luyện các em cần chú ý đến văn bản nhật dụng, các văn bản NLVH, NLXH, nghị luận về vai trò của việc đọc sách… để tích lũy kiến thức và khả năng diễn giải vấn đề trong một bài văn. Còn đối với phần tiếng Việt thì cần chú trọng vào các bài tổng ôn tập trong chương trình SGK Ngữ văn 9 để hệ thống hóa kiến thức và nắm được các kiến thức về từ vựng, ngữ pháp trọng tâm.”

Còn về kỹ năng làm bài thi đối với môn Ngữ văn thì thầy Hùng cho rằng không có bất kỳ “bí kíp” nào lợi hại hơn việc các em học sinh nên thường xuyên rèn luyện việc viết các đoạn văn rồi đến bài văn để cho kỹ năng của mình trở nên tốt hơn, thuần thục hơn cũng như làm gia tăng vốn từ vựng phong phú để bài viết trở nên sinh động, cuốn hút được người đọc, người nghe.

Lộ trình ôn tập môn Ngữ văn 10

Cuối cùng phần quan trọng nhất mà thầy Hùng đặc biệt lưu ý teen 2k4 là Lộ trình ôn thi Ngữ văn vào 10. Với kinh nghiệm luyện thi vào 10 nhiều năm và có rất nhiều học sinh đạt điểm số cao vượt trội nhờ phương pháp này, thầy chỉ ra lộ trình ôn thi thường trải qua 3 giai đoạn là: “Học chắc các đơn vị kiến thức cơ bản – ôn luyện theo từng chuyên đề (quét lại kiến thức đã học) và nhóm các dạng bài lại với nhau để rút ngắn việc ôn tập cũng như giúp cho việc ghi nhớ hiệu quả hơn.

Sau đó đi đến giai đoạn cuối cùng ở 2 – 3 tháng cuối là luyện đề để nâng cao kỹ năng viết bài và học cách phân bố thời gian làm bài thi hợp lý (ở giai đoạn này các em nên đăng ký tham gia thi thử ở những trường uy tín tổ chức để luyện tập kỹ năng làm bài cũng như rèn luyện tâm lý khi đi thi). Với lộ trình này các bạn có thể áp dụng phương pháp học khác nhau tùy theo khả năng của mỗi bạn, có thể học đan xen hoặc học gối đầu các đơn vị kiến thức nhé.”