Giáo viên

Thầy Nguyễn Ngọc Hải và bộ sưu tập sơ đồ tư duy vô giá

By hocmai.kithuat

February 20, 2017 15:53 PM

Là một người thầy có kinh nghiệm trên 20 năm với nghiệp “gõ đầu trẻ”, thầy Nguyễn Ngọc Hải đã dẫn dắt rất nhiều bạn học sinh đến với cánh cổng trường đại học mà mình mơ ước. Hãy lắng nghe những lời khuyên mà thầy Hải dành cho chúng mình nhé!

Mất gốc – học như thế nào?

Khi được hỏi làm cách nào để cải thiện tình trạng mất gốc cho các bạn học sinh, thầy Hải đã chia sẻ một câu chuyện của bản thân thầy.

“Từ lớp 1 đến lớp 7 thầy rất mải chơi, thậm chí còn nghiện trò chơi điện tử nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc học, có thể nói là mất gốc hoàn toàn, chẳng biết gì cả. Chỉ đến đầu lớp 8 khi thầy quyết tâm học lại từ đầu thì mọi thứ mới bắt đầu thay đổi”, thầy tươi cười chia sẻ.

Tuy nhiên, thời gian đầu quay lại việc học, qua lời kể của thầy, thầy nói rằng, đó là quãng thời gian vô cùng khó khăn.“Thầy nhớ cuối năm lớp 8, môn Toán học về giải bài toán bằng cách lập phương trình. Với người khác thì đây là một bài rất dễ, thế mà đối với cá nhân thầy thì thấy cực kỳ khó. Và sau khi được làm đi làm lại 20 lần cho một loại bài duy nhất đầu thầy mới thốt lên một tiếng: À, thì ra là như thế từ đó mới hiểu được thế nào là Toán. Đầu lớp 9, với bài toán rút gọn, Thầy không hiểu phải làm như thế nào, không có sách hướng dẫn Thầy đã nhìn đáp án và biết đổi ngược lại để tìm ra lời giải cho bài toán rút gọn này!”.

Thầy Hải cùng học sinh của mình

Từ môn Toán, thầy bắt đầu với tất cả các môn còn lại cũng bằng cách đó, làm đi làm lại những bài cơ bản để hiểu bản chất. Thầy đã lập một kế hoạch cụ thể cho việc học, học cái gì và học như thế nào. Nhớ lại khoảng thời gian đó thầy nói rằng “chẳng biết nên vui vì mình đã từng quyết tâm như thế hay nên buồn vì không ngờ hồi còn trẻ mình lại lười học đến nỗi phải học lại từ đầu nữa”.

Để vực lại kiến thức cho mình, hồi đó, mỗi ngày thầy bắt bản thân ngồi tại bàn học đủ số giờ quy định dù có đôi lúc ngồi không chẳng làm gì, chép lại tất cả những phần sách giáo khoa có ghi “chú ý” dù cho thầy chẳng hiểu tại sao phần đó lại cần chú ý, thầy cũng đọc sách thật nhiều dù không biết đến bao giờ mới dùng được những thứ mình đọc… Và kiến thức thấm dần, đến một ngày thầy cũng lấy lại được gốc.

Để ghi nhớ kiến thức một cách khoa học thầy đã bắt đầu học cách hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy. Đây cũng là phương pháp mà thầy muốn chia sẻ với các bạn học sinh của mình. Là một người thầy dạy Vật lý, tính đến hiện tại thầy đã có một bộ sơ đồ tư duy hệ thống lại kiến thức Vật lí từ lớp 6 đến lớp 12. Trong tương lai thầy sẽ cố gắng để các bài giảng của mình 100% bằng sơ đồ tư duy để học sinh của mình dễ ghi nhớ hơn.

Một trong những sơ đồ tư duy thầy sử dụng trong giảng dạy tại Hocmai

Vật lí luôn ở quanh ta – đó là sự thật

Trước tình hình nhiều bạn học sinh sợ và chưa yêu thích môn Vật lí, thầy Hải chia sẻ: ”Vật lí là môn học rất hay vì nó có thể giải thích được rất nhiều hiện tượng trong cuộc sống quanh ta như sự hoạt động của tủ lạnh, điều hòa, máy bơm nước, động cơ xe máy, ô tô… các em hãy vận dụng những điều học được để giải thích các hiện tượng thì sẽ giúp các em hứng thú, yêu thích và sẽ học giỏi môn Vật lí hơn.”

Còn đối với những học sinh sẽ thi Vật lí trong kì thi THPT năm nay thầy Hải khuyên rằng, các bạn hãy có kế hoạch thật tốt cho việc học môn Vật lí cũng như môn khác. Kết quả thi là kết quả tổng hợp của các môn nên chúng ta cần học đều. Nếu bạn nào có kết hoạch dùng môn sở trường để gỡ điểm cho các môn học khác là tự làm khó mình. Về mặt hiệu quả của kì thi, môn học kém sẽ tăng điểm dễ tăng hơn môn học đã học tốt rồi. Ví dụ Toán là môn sở trường muốn tăng từ 8 điểm lên 9 điểm là khá khó, còn từ 9 tăng lên 10 là vô cùng khó. Đối với môn kém ví dụ là môn Vật Lí đang đạt 3 điểm muốn tăng lên 6, 7 dễ hơn rất nhiều.

“Hãy dùng sơ đồ tư duy trong việc ghi nhớ kiến thức. Vì con đường nhận thức là từ trực quan sinh động tới tư duy trừu tượng, ghi nhớ bằng hình ảnh sẽ tốt hơn ghi nhớ bằng câu văn. Thầy đã sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học được 10 năm và đã thấy kết quả của học sinh tăng lên đáng kể”, thầy Hải nhấn mạnh.

Và cuối cùng, trong một bài Vật lí thì các hiện tượng Vật lí thường chỉ chiếm 20%, 80% còn lại là Toán. Như vậy, để trở thành một người học Lí giỏi thì ít nhất bạn học Toán phải khá. Còn nhiều bạn học Toán giỏi nhưng chưa học tốt được Vật lí là do không hiểu bản chất hiện tượng. Để hiểu bản chất hiện tượng, theo thầy Hải, điều quan trọng nhất là bạn phải nắm chắc những kiến thức nền tảng trong sách giáo khoa. “Kiến thức nền tảng vừa là bản chất của hiện tượng vừa là đòn bẩy quan trọng để bạn dễ dàng học những kiến thức nâng cao” – Thầy Hải chia sẻ.

Các bạn có hứng thú với bộ sưu tập sơ đồ tư duy vô giá đã đem đến thành công cho chính bản thân thầy Hải và rất nhiều học sinh của mình không? Nếu câu trả lời là có, thì hãy tìm hiểu ngay TẠI ĐÂY, thầy Hải sẽ không ngại ngần chia sẻ tất cả kiến thức và bí kíp của thầy để giúp bạn đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi đâu.