Dưới đây là những kỹ năng sống cần thiết mà phụ huynh cần định hướng cho trẻ học và làm được trước tuổi 18:
1. Có khả năng nói chuyện với người lạ
Thực sự là sai lầm khi đa phần chúng ta dạy trẻ không được nói chuyện với người lạ thay vì dạy các kỹ năng để làm thế nào phân biệt được một số ít người xấu từ những người lạ (mà chủ yếu đều là người tốt). Vì vậy, trẻ em lớn lên mà không biết làm thế nào để tiếp cận người lạ, trân trọng họ và giữ mối quan hệ tốt. Điều này sẽ khiến các em mất đi rất nhiều sự giúp đỡ, cũng như lời khuyên bổ ích từ thế giới xung quanh.
2. Bước đi bằng đôi chân của mình
Tôi thường thấy các bậc phụ huynh lái xe đưa, đón con mỗi ngày ngay cả khi chúng đã vào cấp ba. Điều ấy thực sự không tốt.
Trẻ em cần được bước đi trên chính đôi chân mình bằng nhiều cách như đi xe bus, xe đạp, hoặc thậm chí đi bộ. Điều này sẽ giúp trẻ học thêm được những con đường để sau này biết cách di chuyển từ hai điểm với quãng đường ngắn nhất. Đồng thời, các em cũng biết cách ứng xử để tránh những va chạm giao thông trên đường, cách nhận biết khi nào cần bơm/vá xe; thậm chí tự biết cách thay xăm, lốp.
3. Tự lên thời gian biểu cho mình
Chúng ta nhắc nhở trẻ phải làm đầy đủ công việc của mình như bài tập về nhà, giúp đỡ gia đình…nhưng lại không dạy trẻ cách xác định công việc cần ưu tiên hơn (để làm trước), cách quản lý tiến độ công việc, hoàn thành tốt công việc trước thời hạn (chẳng hạn với một khối lượng lớn bài tập về nhà, được giao làm trong bảy ngày thì trẻ sẽ biết phân phối thời gian cụ thể để không “no dồn, đói góp” làm vùi trong những ngày cuối và lơ là những ngày đầu tiên). Dạy trẻ kỹ năng lập thời gian biểu và giúp trẻ thực hiện đúng theo nó thì sau này phụ huynh sẽ không cần nhắc nhở thường xuyên mà trẻ vẫn hoàn thành đủ việc.
4. Trẻ em phải biết làm việc nhà
Chúng ta thường không yêu cầu trẻ phải giúp việc nhà vì các em dành phần lớn thời gian ở trường và đi học thêm. Do đó, khi lớn lên trẻ em sẽ chỉ quan tâm đến bản thân mình, không biết tôn trọng nhu cầu của người khác cũng như dễ trở nên ích kỷ và không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể.
5. Biết tự xử lý các vấn đề cá nhân
Chúng ta thường can thiệp quá sâu vào cuộc sống của trẻ, giúp chúng giải quyết những hiểu lầm và an ủi nỗi buồn của chúng. Tuy nhiên chính vì vậy mà trẻ lớn lên sẽ không biết cách tự ứng phó và giải quyết xung đột mà không cần đến sự giúp đỡ của người lớn.
6. Có khả năng đối phó với những biến cố
Khi trẻ gặp những khó khăn như việc học quá nặng, sự khác biệt khi lên lớp/lên cấp học mới, sự cạnh tranh trong lớp, giáo viên nghiêm khắc…thì người lớn cũng thường can thiệp, giúp trẻ làm xong việc, gia hạn thời gian (để hoàn thành bài tập). Do đó trẻ sẽ luôn tin rằng chúng sẽ ổn dù chuyện gì xảy ra, mà không biết rằng cuộc sống không bao giờ bằng phẳng. Và một khi rời khỏi vòng tay của người lớn thì lúc ấy đứa trẻ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn để thích nghi.
7. Phải có khả năng kiếm tiền và quản lý tiền
Học sinh thường quá bận rộn với việc học và không quan tâm đến việc tự tìm cho mình một công việc bán thời gian. Bất cứ những lúc cần tiền thì phương án duy nhất của các em là xin tiền phụ huynh. Do đó, trẻ em sẽ không học được cách trân trọng giá trị đồng tiền, cũng như không biết cách quản lý, tiết kiệm tiền bạc. Thậm chí các em sẽ không biết được cuộc sống xung quanh phức tạp thế nào, khi mà có thể bố mẹ chúng đã phải nỗ lực hoàn thành công việc trước sự kiểm soát của những ông chủ hà khắc để có thể đem tiền về nuôi chúng.
8. Có khả năng chấp nhận rủi ro
Chúng ta (bằng nhiều cách như “đặt đâu con ngồi đấy”, “chạy vào trường điểm”…) vô hình chung đã tự vạch sẵn con đường cho trẻ. Con đường này giúp trẻ tránh được vô số cạm bẫy nhưng cũng ngăn cản vô số cơ hội, may mắn hoặc cơ hội bất ngờ đến với trẻ. Do đó, các em sẽ không hiểu được thành công chỉ đến sau khi cố gắng và thất bại, nhưng rồi lại tiếp tục cố gắng lần nữa (hay đơn giản là “không bao giờ bỏ cuộc”). Hoặc trẻ cũng sẽ không biết cách xoay chuyển tình thế khi mọi thứ có vẻ đã sai hướng (còn gọi là biết cách “xoay chuyển tình thế”).