Kỳ tuyển sinh vừa qua được chứng kiến mức điểm chuẩn cao nhất từ trước đến nay, đặc biệt điểm của khối ngành Y, Dược. Có rất nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề này, trong đó có đề xuất khối Y, Dược nên có hình thức xét tuyển riêng…
Chỉ có 5% thí sinh đỗ vào Y không dùng điểm ưu tiên
Kỳ thi THPTQG 2017 có mức điểm chuẩn vào các trường đại học rất cao, đặc biệt là một số trường trong khối Y, Dược với mức điểm 29.25. Có đến 86% thí sinh trúng tuyển vào ngành này sử dụng điểm ưu tiên, một số trường hợp thí sinh được dùng mức điểm ưu tiên lên tới 5 điểm, bao gồm ưu tiên đối tượng, khu vực và điểm khuyến khích.
Bên cạnh nhiều bạn điểm cao được cộng ưu tiên, thì chỉ có khoảng 30 bạn trong số gần 500 thí sinh đỗ vào ngành Y đa khoa, ĐH Y Hà Nội mà không dùng điểm ưu tiên. Việc này cho thấy một bất cập xảy ra đó là số thí sinh còn lại thuộc khu vực 3 gần như bị mất đi cơ hội tiếp cận với những trường đại học tốp đầu bởi mức chênh lệch quá lớn về điểm ưu tiên.
Điểm ưu tiên sẽ được điều chỉnh
Việc cộng điểm ưu tiên từ trước đến nay vẫn được Bộ áp dụng trong các kỳ thi vào đại học, nhưng với hình thức thi như 2017 vừa qua, việc này thực sự gây bất lợi với một nhóm đối tượng học sinh thuộc khu 3. Vì có rất nhiều ưu tiên, nên có bạn thuộc nhiều nhóm, đối tượng ưu tiên khi cộng dồn điểm lên đến 3-3,5 điểm. Trong khi các bạn khác phải cạnh tranh từng 0,25 điểm để giành cơ hội vào đại học.
Ông Hoàng Năng Trọng, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Thái Bình, thì đề xuất những thí sinh sử dụng điểm ưu tiên khu vực để xét tuyển thì phải cam kết sau khi ra trường về công tác tại vùng đó. Các thí sinh nếu không muốn bị ràng buộc thì có thể lựa chọn không sử dụng điểm cộng ưu tiên để bình đẳng với các thí sinh khác.
Tuy nhiên, việc cộng điểm không phải là một “ân huệ” mà để hỗ trợ điều kiện sống và học tập khó khăn cho học sinh. Ông Nguyễn Cảnh Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Vinh đề xuất rằng: mỗi học sinh chỉ được chọn điểm ưu tiên cao nhất trong những đầu điểm bạn đó được và thay vì cộng điểm ưu tiên khu vực chênh lệch 0,5 điểm thì có thể chỉ cộng chênh lệch là 0,3 điểm.
Mỗi người một ý kiến, một quan điểm riêng xoay quanh vấn đề điều chinh điểm ưu tiên, dù thế nào thì 2k1 chúng ta cũng nên xác định rõ một điều, đó là khả năng cao điểm ưu tiên sẽ được điều chỉnh trong các kỳ thi sắp tới đấy nhé!
Khối trường Y nên có hình thức xét tuyển riêng?
Trước tình hình đề xuất thay đổi chóng mặt như này, hiệu trưởng các trường đại học trên cả nước (ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương, ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thach,…) cũng đưa ra nhiều đề xuất như: nên có một phần mềm xét tuyển riêng, có hình thức phỏng vấn trong xét tuyển, xác lập mức điểm sàn riêng đối với khối Y, Dược,… Những ý kiến này được đem ra tranh luận rất nhiều nhưng phương án cuối cùng ra sao thì vẫn phải chờ Bộ công bố trong thời gian tới.
Từ giờ cho đến kỳ thi 2018 và xa hơn là 2019 sẽ còn xuất hiện nhiều đề xuất, tranh luận xoay quanh vấn đề thi cử, nên teen 2k1 chúng ta phải cập nhật tin tức thường xuyên và lúc nào cũng phải lên dây cót tinh thần học tập thật tập trung và quyết tâm cao, để tạo cho mình một tấm “áo giáp” thật kiên cố, vững chắc giúp vượt qua cơn “bão táp” thi cử này!