Bí quyết học thi

Hoàn thành 30 câu lý thuyết Sinh học trong 30 phút

By hocmai.kithuat

March 25, 2016 11:33 AM

Đề thi THPT quốc gia môn Sinh học thường có khoảng 30 câu lý thuyết, chiếm đến 60% đề thi. Để tiết kiệm tối đa thời gian dành cho số bài tập vừa dài vừa khó còn lại, học sinh cần hoàn thành chuẩn xác số câu hỏi lý thuyết trong thời gian ngắn nhất.

>> Kỳ sau: Tăng tốc và về đích với 20 câu khó trong đề thi Sinh học

Theo lời khuyên của thầy Nguyễn Thành Công, học sinh phải nhớ rằng phần lý thuyết dễ lấy điểm hơn phần bài tập. Để mất điểm ở những câu dễ do chủ quan và chưa đủ kiến thức “khó tha thứ” hơn nhiều so với mất điểm câu bài tập khó. Hãy nắm chắc điểm phần lý thuyết trước khi tập trung để lấy điểm câu bài tập khó. Có một vài điều học sinh cần nhớ để hoàn thành lý thuyết trong 30 phút:

1. SGK là một công cụ quan trọng bậc nhất để học phần lý thuyết, học sinh nên có cả hai cuốn SGK và SBT cơ bản và nâng cao (trong 2 cuốn sách bài tập có nguồn câu hỏi trắc nghiệm giúp học sinh nhớ kiến thức rất tốt). Học sinh cần kiên trì học lý thuyết Sinh học theo cách “mưa dầm thấm lâu”.

2. Học sinh nên chia kiến thức thành các chuyên đề nhỏ: Di truyền học phân tử (ADN, ARN, Protein – cấu trúc và chức năng; Gen và mã di truyền; Các cơ chế tự sao, phiên mã, dịch mã và điều hòa biểu hiện gen); Di truyền học tế bào (Nguyên phân; giảm phân); Biến dị (Thường biến; Biến dị tổ hợp; Đột biến gen; Đột biến cấu trúc NST; Đột biến lệch bội; Đột biến đa bội); Các quy luật di truyền (Menden 1 tính trạng; 2 hay nhiều tính trạng; tương tác gen; liên kết gen; hoán vị gen; liên kết với giới tính; di truyền ngoài nhân); Di truyền quần thể; Di truyền người; Di truyền học ứng dụng và các kỹ thuật chọn/tạo giống; … Tương tự với các nội dung của Tiến hóa và Sinh thái. Việc chia nhỏ các phần kiến thức như trên giúp học sinh đỡ sợ lượng kiến thức quá nhiều.

3. Với mỗi phần kiến thức nhỏ kể trên, học sinh có thể tự học theo tiến trình sau: Đọc hiểu, dùng bút nhớ đánh dấu vào các từ khóa “đắt nhất”. Sau khi đọc hiểu, tự tóm tắt các nội dung chính vào vở tự học, chỗ nào chưa hiểu thì mở lại sách giáo khoa xem lại – đây là lần thứ 2 đưa kiến thức vào não bộ của mình. Sau khi đã tự ghi chép được lượng kiến thức của mình vào trong vở, học sinh tiến hành đánh giá kiến thức đó bằng việc vẽ một sơ đồ tư duy cuối bài để khái quát hóa lại kiến thức – đây là lần thứ 3 giúp ghi nhớ kiến thức.

4. Sau khi đã nắm chắc kiến thức, học sinh nên tự trả lời các câu hỏi trắc nghiệm trong sách bài tập, sách tham khảo, sau đó so sánh đáp án và tự chấm điểm cho mình. Kiểm tra lại những câu bị sai và tìm ra nguyên nhân sai ở đâu, sai do không nhớ kiến thức hay sai do chưa hiểu kiến thức và đọc lại vấn đề. Sau quá trình tự kiểm tra này, học sinh sẽ rút được nhiều kinh nghiệm cho quá trình làm bài thi, nhưng thế vẫn chưa đủ.

5. Sau mỗi nhóm kiến thức, phải liên kết chúng lại để tạo thành một hệ thống kiến thức. Chẳng hạn như di truyền học phân tử phải thấy được mối tương quan giữa cấu trúc và chức năng của ADN, ARN, gen, protein, tính trạng và sự giống nhau, khác nhau giữa quá trình tự sao, phiên mã, dịch mã và quá trình điều hòa biểu hiện gen. Những câu hỏi lý thuyết so sánh/phân biệt đòi hỏi nắm chắc các mối liên hệ như trên.

6. Ngoài ra, khi ôn tập, học sinh nên thường xuyên sử dụng sơ đồ tư duy, vẽ hình minh họa, lập bảng so sánh, phân biệt những kiến thức dễ nhầm lẫn.

7. Luyện đề là một bước vô cùng quan trọng để em có thể tự đánh giá được “vị trí kiến thức” của mình. Trong quá trình làm đề, cần tuân thủ áp lực thời gian để làm quen dần với kỳ thi. Rút kinh nghiệm những câu mình sai, kiểm tra lại nội dung kiến thức mà mình bỏ lỡ và bổ sung kịp thời.

Nếu đặt mục tiêu thi đỗ nhóm trường Y thì học sinh không được phép lơ là phần lý thuyết vì nếu chỉ cần sai 2 đến 3 câu lý thuyết thì gần như cơ hội đầu quân nhóm trường này là rất mong manh.