Tài liệu ôn thi

‘Đường đến ngày vinh quang’ vào đề thi nghị luận xã hội

By hocmai.kithuat

April 04, 2016 15:55 PM

Thầy giáo Phạm Hữu Cường đưa bài hát “Đường đến ngày vinh quang” của nhạc sĩ Trần Lập vào đề thi nghị luận xã hội để học sinh rèn luyện cho kỳ thi THPT sắp tới.

Mới đây, Fanpage của thầy giáo, tiến sĩ văn học Phạm Hữu Cường đăng tải đề văn nghị luận xã hội thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, nhất là các thí sinh đang trong thời gian ôn luyện cho kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Bài hát Đường đến ngày vinh quang được thầy Phạm Hữu Cường vận dụng vào đề thi nghị luận xã hội môn Văn. Ảnh chụp màn hình.

Thầy Phạm Hữu Cường – người có gần 20 năm kinh nghiệm giảng dạy và luyện thi đại học môn Ngữ văn, cũng chính là tác giả của đề nghị luận đặc biệt này – cho biết, Trần Lập là nhạc sĩ, ca sĩ để lại niềm cảm phục cho nhiều người, về cả lối sống lẫn tài năng.

Theo thầy, câu hát “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai” rất có ý nghĩa.

[su_audio url=”http://img.v3.news.zdn.vn/Uploaded/neg_rtlzofn/2016_03_28/call_175711_OUT_0936111113_audiocuttercom.mp3″ autoplay=”yes” loop=”yes”]

 

Lý do của thầy Cường chia sẻ: Phần lớn các bạn trẻ tỏ ra sự hào hứng trước đề bài mang tính thời sự và nhân văn của thầy Phạm Hữu Cường. Bi Phương nhận xét: “Lâu lắm rồi mới đọc được đề nghị luận hay mà mình cảm thấy muốn viết như này. Các bạn 98 thử làm đi nhé!”. Chàng trai Hiếu Black nói: “Mọi người cùng nhau làm đề văn nghị luận này nhé. Biết đâu ta sẽ tìm được mình đâu đó trong những bông hoa hồng”. Fanpage Đôi bàn tay thắp lửa cũng chia sẻ đề bài này và bình luận: “Cơ hội để các bạn viết ra những dòng cảm xúc của mình là đây”.

“Đây là vấn đề phù hợp lứa tuổi học trò, khi nói đến lẽ sống, khát vọng vượt lên của con người. Bên cạnh đó, sự kiện này mang ý nghĩa thời sự. Tôi cho rằng, đây là cách tập dượt rất tốt cho học sinh trước kỳ thi THPT sắp tới” – thầy Cường nói.

Giáo viên này cũng chia sẻ, với dạng bài này, học sinh phải làm theo hướng đề mở, vận dụng sự hiểu biết của mình, đưa ra những lập luận chặt chẽ, sắc sảo để lấy điểm từ người chấm.

Đầu tiên, mở bài cần giới thiệu nguồn gốc, xuất xứ của câu hát được trích trong bài Đường tới ngày vinh quang, sau đó nhấn mạnh đây là quan niệm sống vừa ý nghĩa, vừa có khả năng thức tỉnh thế hệ trẻ suy nghĩ về sự thành đạt trong cuộc đời.

Sau đó, học sinh sẽ tiến tới giải thích ý nghĩa hình ảnh “chặng đường trải bước trên hoa hồng” tương ứng sự thành công, hạnh phúc hay những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Còn “bàn chân thấm đau vì những mũi gai” là hình ảnh ẩn dụ của những khó khăn, vất vả, gian khổ, thử thách con người phải trải qua.

Từ đó, học sinh giải thích ý nghĩa cả câu hát: Để đạt được thành công, đi tới đường vinh quang, ta phải vượt qua khó khăn gian khổ, mất mát hy sinh và đôi khi phải trả giá bằng những nỗi đau nhất định. Cũng giống như hình ảnh chú chim muốn cất lên tiếng hót phải tự đâm ngực mình vào bụi mận gai, để từ trong nỗi đau tột cùng, cất lên tiếng hát hay nhất cuộc đời mình.

Thầy giáo, tiến sĩ Văn học Phạm Hữu Cường đã có hơn 20 năm kinh nghiệm dạy và luyện thi đại học môn Ngữ văn

Sau đó, thí sinh sẽ bước vào phần bàn luận về vấn đề. Các bạn phải dùng kinh nghiệm sống để giải thích rằng: Không thể dễ dàng đạt được thành công trong đời.

Để dẫn chứng, học sinh dùng các ví dụ minh họa. Ví dụ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phải vượt qua những gian truân ra sao để tìm đường cứu nước, hoặc vận dụng câu nói “Đời tôi 100 thất bại có 1 thành công” của Phan Bội Châu.

Cuối cùng, thí sinh rút được ra quan niệm của nhạc sĩ Trần Lập đã gửi gắm qua lời ca từ ấy là quan niệm đúng, sâu sắc, nhưng vẫn chưa phải đầy đủ. Vì cuộc sống còn nhiều sự trả giá, tuy nhiên chưa chắc đã thành công.

Kết bài, hãy đưa kết luận đường đến thành công bên cạnh tài năng, sự hỗ trợ của hoàn cảnh, cần có sự nỗ lực của bạn thân. Người chấm cần đọc được ý “Thành công trong cuộc đời là không dễ dàng” và “Mỗi người cần rèn luyện bản lĩnh, vượt lên khó khăn, mất mát để chạm tay tới chặng đường trải hoa hồng”.

Theo thầy Cường, để làm đề văn dạng này, thí sinh hãy đưa ra quan điểm, nhìn nhận rõ ràng về vấn đề, đưa nhận xét đây là ý kiến đúng hay sai, đã sâu sắc và toàn diện chưa, bài học này mang lại ý nghĩa gì đối với cuộc sống của mỗi người?

“Nhiều học sinh cho rằng, cho thật nhiều dẫn chứng vào bài nghị luận xã hội là tốt, nhưng đây là quan niệm sai lầm. Đề bài nghị luận mong muốn học sinh trình bày suy nghĩ, đưa ra lập luận, bày tỏ quan điểm, thái độ, sự nhìn nhận đánh giá của bản thân trước một vấn đề”, thầy Cường chia sẻ.

“Với đề bài này, không có ý đúng 100%, mà hãy đưa ra sự nhìn nhận đánh giá, bày tỏ tư tưởng, lập trường cá nhân, suy nghĩ riêng về các vấn đề có căn cứ, thuyết phục được người chấm”, vị giáo viên nổi tiếng dạy trên mạng bổ sung.

Tiến sĩ Phạm Hữu Cường cho biết, thầy luôn hướng học sinh rèn luyện bản lĩnh, dám nói ra những suy nghĩ riêng và chứng minh rằng ý kiến đó là đúng đắn. “Đó cũng là mong muốn của đề thi THPT” – thầy nói.