Mới chỉ 4 – 5 năm trước đó, một trong số chúng còn là những ngành “hot”, điểm đầu vào cao, nhưng bây giờ lại đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp cao “ngất ngưởng”.
Xem thêm:
- Mổ xẻ phổ điểm khối D và A1: 99 “được mùa”, 2k cẩn thận
- Cập nhật công bố điểm chuẩn các trường: 99 hóng ngay, 2000 chú ý
- Phổ điểm khối A và B – Cuộc đua gay cấn cả tốp trên và tốp dưới
1. Ngành sư phạm
Bộ giáo dục đang đưa ra báo động đỏ về tình trạng thừa nhân lực của ngành sư phạm. Theo số liệu mới nhất mà bộ thống kê được thì hiện tại trên cả nước đang thừa khoảng 35.000 giáo viên phổ thông và khoảng 10.000 sinh viên sư phạm ra trường có nguy cơ thất nghiệp cao.
Theo ước tính, mỗi năm có thêm khoảng 4.000 sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc làm. Năm 2020 sẽ có khoảng 70.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp phân bố ở tất cả các bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
2. Ngành kế toán – kiểm toán
Cách đây một vài năm, ngành kế toán – kiểm toán đã rất “hút” học sinh nhờ vào một mức lương khá cao sau khi ra trường, điều đó cũng kéo theo điểm chuẩn tại các trường cao hơn so với những ngành khác. Nhưng ở hiện tại, đây lại là ngành đang dư thừa lao động và được dự báo vẫn tiếp tục dư thừa trong những năm tới.
Theo bản tin thị trường lao động quý 2/2016 mà Bộ LĐ-TB-XH mới công bố, nhóm ngành kế toán – kiểm toán chiếm số lượng người tìm việc rất lớn (16,9 %).
Chỉ tính riêng ở TP.Hồ Chí Minh, dù kế toán + kiểm toán vẫn có nhu cầu tuyển dụng cao nhất (30%), nhưng do nguồn nhân lực quá lớn nên trung bình mỗi ứng viên phải vượt qua 90 người khác, rất khó khăn – Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban đào tạo, Hội giáo dục nghề nghiệp TP.Hồ Chí Minh cho biết.
3. Ngành tài chính – ngân hàng
Hiện tại, nhóm ngành tài chính có nhiều người tìm việc nhất cả nước (21,9%). Nhưng đây vẫn là một ngành mũi nhọn tại các trường kinh tế năm 2016 và 2017 với con số chỉ tiêu không hề giảm. Dự kiến sinh viên nhóm ngành này ra trường trong tương lai gần cũng sẽ không dễ dàng khi tìm việc.
4. Ngành quản trị kinh doanh
Số liệu thống kê 3 năm gần đây của Bộ giáo dục và đào tạo cho thấy quản trị kinh doanh chiếm số lượng hồ sơ đăng ký dự thi cao nhất của thí sinh (trên 10% hồ sơ mỗi năm).
Chỉ tính riêng tại TP.Hồ Chí Minh, mỗi năm đã có khoảng 10.000 cử nhân quản trị kinh doanh tốt nghiệp ra trường. Nhưng trong đó, con số các cử nhân thất nghiệp và phải làm việc trái với ngành học là không hề nhỏ mặc dù số lượng doanh nghiệp tuyển dụng ngành này luôn đứng đầu bảng xếp hạng các website tìm kiếm việc làm.
Điều này chứng tỏ một điều, doanh nghiệp cần “chất” chứ không cần lượng và nhân lực ngành này vẫn tiếp tục dư thừa.
5. Ngành công nghệ môi trường
Đây là ngành vô cùng cần thiết và có ý nghĩa với đời sống, xã hội, với môi trường khi tập trung giải quyết các vấn đề về: xử lý nước thải, xử lý khí thải, xử lý chất thải rắn… bằng các biện pháp sinh, lý hoặc hóa học.
Thế nhưng với điều kiện ở nước ta, sự đầu tư, quan tâm và công tác bảo vệ môi trường vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là rất ít. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành này thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành nghề được học.
Nhưng, bạn chỉ thất nghiệp nếu bạn không đủ năng lực
Như đã phân tích ở trên, nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng rất cao các ngành như: quản trị kinh doanh, kế toán – kiểm toán… trong khi nhân lực thì dư thừa rất nhiều. Vấn đề nằm ở chỗ họ cần “chất” chứ không cần “lượng”.
Do vậy, nếu teen 99 nào đang chuẩn bị đăng ký xét tuyển nguyện vọng cũng đừng lo lắng và hoang mang quá, hãy cân nhắc kỹ và nhớ rằng: điều cốt yếu là bạn học được gì khi học đại học, làm được gì sau khi ra trường, nếu bạn đủ năng lực, doanh nghiệp sẽ luôn đón chào bạn.
Teen 2000 cũng không việc gì phải hoang mang cả, điều cần làm nhất bây giờ là phải cố gắng học tập theo bí quyết của những anh chị 99 được điểm “khủng” năm nay để tự tin thi đỗ vào trường đại học mình mơ ước nhé!