Theo thầy Đặng Ngọc Khương, nếu không dẫn chứng, bài nghị luận xã hội gần như diễn thuyết. Lấy quá ít dẫn chứng, bài văn thiếu “chất sống”, còn nhiều quá khiến bài viết bị loãng.
Bao nhiêu dẫn chứng thì bài nghị luận xã hội thuyết phục nhất?
Việc lấy dẫn chứng đối với một bài văn nghị luận xã hội (dù là nghị luận về một tư tưởng, đạo lý hay một hiện tượng đời sống) đều có vai trò đặc biệt quan trọng. Không có dẫn chứng bài văn sẽ thiếu “chất sống”, thiếu sự sinh động, hấp dẫn. Quan trọng hơn, nếu thiếu dẫn chứng, những lý lẽ đưa ra sẽ không còn sức thuyết phục. Lúc đó bài văn chỉ còn là những lời bàn luận chung chung, thiếu cơ sở, thiếu căn cứ và hoàn toàn mang tính lý thuyết suông.
Không có yêu cầu cụ thể một bài nghị luận xã hội cần bao nhiêu dẫn chứng. Số dẫn chứng phải căn cứ đòi hỏi trực tiếp của đề, dung lượng bài viết như thế nào. Bài văn nghị luận không thể chỉ có một dẫn chứng mà cũng không nên đưa tràn lan các dẫn chứng. Việc đưa ra dẫn chứng bao nhiêu tùy thuộc chúng ta xem xét vấn đề dưới những phương diện, khía cạnh nào, càng nhiều phương diện tất yếu sẽ cần càng nhiều dẫn chứng. Thông thường cứ đưa ra một lý lẽ, luận điểm cần phải có ít nhất một dẫn chứng để làm sáng tỏ lý lẽ đó.
Trong cấu trúc bài văn nghị luận xã hội không phải phần nào cũng cần dẫn chứng. Đối với bài nghị luận về một hiện tượng đời sống, phần cần nhiều dẫn chứng nhất chính là nêu thực trạng. Còn đối với dạng bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lý, phần phân tích, chứng minh phải có dẫn chứng đi kèm.
Các em nên lấy dẫn chứng liên quan trực tiếp vấn đề nghị luận và là dẫn chứng ngoài đời sống chứ không phải trong các tác phẩm văn chương, lấy dẫn chứng trong nước trước rồi mới nói đến nước ngoài. Khi lấy dẫn chứng ngoài đời sống lại phải ưu tiên dẫn chứng nóng hổi, có tính thời sự, tiêu biểu.
Một số sai lầm khi lấy dẫn chứng
Thực tế, học sinh khi lấy dẫn chứng cho bài văn nghị luận xã hội thường mắc một số lỗi cơ bản sau:
– Các em lấy quá ít hoặc quá nhiều dẫn chứng dẫn đến tình trạng không đủ dẫn chứng để làm sáng rõ vấn đề hoặc quá nhiều dẫn đến “loãng” vấn đề. Ví dụ như đề bài yêu cầu nghị luận về một câu hát trong bài hát của cố nhạc sỹ Trần Lập nhưng đọc bài chỉ thấy nhạc sỹ Trần Lập.
– Lấy dẫn chứng không có phân tích đánh giá dẫn chứng, việc này chẳng khác gì “đem con bỏ chợ” khiến cho dẫn chứng không phát huy hết hiệu quả.
– Lấy dẫn chứng không cân đối. Có luận điểm thì hai, ba dẫn chứng, có luận điểm chẳng có dẫn chứng nào khiến cho bài văn “méo mó” mất cân đối.
– Lấy dẫn chứng chung chung, không tiêu biểu, sáo rỗng hoặc không liên quan gì đến vấn đề…