Gỡ rối hướng nghiệp

4 sai lầm thường gặp trong việc lựa chọn nghề nghiệp

By hocmai.kithuat

April 28, 2017 09:27 AM

Chọn ngành “hot”? Lương cao? Nối nghiệp gia đình? Hay chạy theo đam mê? Nếu đó là những điều bạn đang phân vân thì bài viết này thực sự dành cho bạn.

1. Chọn ngành đang “hot”

Tại sao một ngành nghề lại trở nên “hot”? Phải chăng là ngành nghề đó đang thiếu nhân lực trầm trọng, hay chất lượng nhân lực hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các công ty?

Thay vì ngay lập tức đổ xô đi đăng ký học ngành “hot”, có nên chăng chúng ta cần cân nhắc lại: Lượng học sinh đăng ký ngành học “hot” cùng một thời điểm sẽ đồng loạt tốt nghiệp đại học bốn năm sau. Với hàng nghìn cử nhân cùng lúc ra trường, liệu các công ty có còn thiếu nhân lực? Chỉ e lúc đó lại “thiếu việc” đúng chuyên môn cho các cử nhân này.

2. Chọn nghề nào lương cao

Đừng chỉ nghe tin về một nghề nghiệp lương cao mà vội lao theo lựa chọn. Hãy tìm hiểu kỹ thị trường lao động hiện tại và xu hướng phát triển kinh tế tương lai để nắm bắt tình hình, từ đó rút ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân nhất.

Một công việc có mức lương cao rất có thể do các nguyên nhân như cường độ lao động liên tục, khối lượng công việc lớn, thị trường thiếu nhân lực chất lượng cao, phụ cấp môi trường lao động nguy hiểm, độc hại…

Nếu bạn xác định cho mình một công việc ổn định, an toàn, tạo ra ít giá trị thì việc có được một mức lương cao là điều rất khó. Mặt khác, nếu sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, dám thách thức bản thân và luôn có ý thức vươn lên thì bất kể một ngành nghề nào cũng có thể đem lại cho bạn mức thu nhập xứng đáng.

Nguồn ảnh: entrepreneur.com

3. Phụ thuộc vào lời khuyên của người khác

Cha mẹ, thầy cô, bạn bè là những người yêu thương bạn, luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất dành cho bạn. Mặc dù như vậy, không phải lúc nào họ cũng có thể đưa ra những lời khuyên phù hợp với bạn. Từ thói quen, sở trường tới sở đoản… chỉ có bạn mới có thể biết rõ hoàn cảnh của mình nhất.

Ngay cả những chuyên gia về nhân sự cũng chỉ có thể đưa ra những gợi ý nghề nghiệp. Họ có thể đưa ra những thống kê về xu hướng lựa chọn nghề nghiệp dựa trên tính cách nhưng rõ ràng, không phải ai có tính cách giống nhau cũng lựa chọn công việc như nhau.

Những điều đó cũng đồng nghĩa với việc định hướng và lựa chọn nghề nghiệp phải xuất phát từ chính chúng ta. Lời nhận xét của những người xung quanh có thể là những thông tin tham khảo hữu ích, nhưng đó chỉ là những thông tin bên ngoài, có thể không chính xác với con người thật của bạn. Chỉ bằng cách tự mình phân tích, đánh giá bản thân, kèm với việc theo dõi sát sao diễn biến của nền kinh tế thì chúng ta mới có thể xác định đúng nghề nghiệp phù hợp với mình.

4. Phải tìm ra bằng được đam mê

Chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng từng nghe câu nói nổi tiếng: “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Một thời gian dài, câu nói này đã gây nhiều lầm tưởng cho giới trẻ. Niềm đam mê thực sự sẽ là động lực giúp chúng ta thực hiện công việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần biết rằng rất nhiều người không có bất cứ đam mê cụ thể nào vẫn có thể làm tốt công việc của họ. Theo như một khảo sát nhân sự gần đây cho thấy: Có đến 38% những người được hỏi không lựa chọn công việc hiện tại của họ dựa trên sở thích nhưng vẫn cảm thấy hài lòng.

Bên cạnh đó, có những tranh luận về việc có niềm đam mê sẽ quyết định thành công của một người trong lĩnh vực họ lựa chọn. Trên thực tế, kể cả những người có đam mê công việc ngay từ buổi đầu tiên vẫn phải đối mặt với những tình huống khủng hoảng. Việc lựa chọn từ bỏ công việc đang làm để chạy theo cảm xúc nhất thời, hay vẫn duy trì với toàn bộ tâm sức mới chính là thứ tạo nên sự khác biệt của người thành công.