Thầy Đỗ Ngọc Hà và câu chuyện về chiếc cà vạt màu đỏ

Lần đầu tiên thấy Hà ăn vận chỉnh tề, mặc một chiếc sơ mi trắng vẫn còn nếp gấp, mang chiếc cà vạt màu đỏ kẻ sọc trắng to bản. Tôi nạt: “Nếu ghi hình thật, ông làm ơn bỏ cái cà vạt này đi, quê lắm!”. 

Chiếc cà vạt quê mùa…

Tôi gặp thầy Hà cách đây 2 năm, khi Hà vẫn còn là một nhân viên “quèn” của một công ty giáo dục. Lúc mới gặp, một chị rỉ tai tôi bảo rằng: “Thằng Hà nó được lắm, sinh viên lớp tài năng Vật lí hẳn hoi đấy”. Tôi rủa: “Ờ, tài năng thì sao, làm gì mà gớm?”.

Một ngày Hà hỏi tôi: “Em ở Kim Giang hả, dưới khu em có nhà trọ nào rẻ rẻ mà ở được 4 người không?”. Tôi bảo: “Anh ở chi xa vậy, lại còn ở 4 người nữa, ở đấy xa quá em đang muốn chuyển đây”. Hà bảo: “Anh ở với 3 đứa em, năm nay anh có tận 3 đứa em học đại học. Ở xa cho tiết kiệm”. Lúc ấy, mọi cảm giác ganh ghét ban đầu tự nhiên biến đi đâu hết.

Suốt nhiều tháng sau đó, tôi vẫn luôn thấy Hà ngồi thu lu một góc với chồng tài liệu cao ngất ngưởng bên cạnh. Tan sở, Hà lại tất tưởi đến một lớp gia sư nào đó, có lớp xa tít tắp nghe đâu tận mười mấy km. Cho đến một ngày đẹp trời, nghe đồng nghiệp bảo: “Hà chuẩn bị ghi hình thử!”.

Lần đầu tiên thấy Hà ăn vận chỉnh tề, mặc một chiếc sơ mi trắng vẫn còn nếp gấp, mang chiếc cà vạt màu đỏ kẻ sọc trắng to bản. Tôi nạt: “Nếu ghi hình thật, ông làm ơn bỏ cái cà vạt này đi, quê lắm!”. Miệng nói vậy nhưng tôi luôn nghĩ chiếc cà vạt này chắc chỉ được mang một lần đó thôi. Trong bài giảng thử, Hà vô cùng run rẩy và thiếu tự tin, cảm giác phải gồng gánh trên vai mình sự hồi hộp của ngần ấy năm sống trên đời cộng lại.

Vậy mà, chiếc cà vạt ấy vẫn ngoan cố theo chủ nó rất lâu từ khi Hà được ghi hình chính thức khóa học online đầu tiên.

Thành công luôn có lí do

Vào thời khắc bắt đầu, hẳn Hà cũng rất mơ hồ về 1 năm sau này của mình. Có 1 lần ngang qua phòng họp, tôi thấy Hà đứng trước bảng, suốt 15 phút đồng hồ Hà chỉ học nói đúng một câu: “Thầy chào tất cả các em, hôm nay thầy giới thiệu đến các em…”. Lần khác, lại thấy Hà ở phòng ghi hình nắn nót từng chữ trên bảng mặc dù chữ Hà không nắn nót đã đẹp hơn tôi vạn lần. Tôi thấy Hà nhiều ngày liền đều ăn đúng 1 chiếc bánh mì khô khốc… Không hề có một ánh hào quang nào trao cho Hà sự ưu ái hay hậu thuẫn. Hà vẫn đều đặn 8 tiếng mỗi ngày làm công việc cũ, vẫn miệt mài gia sư vào đầu mỗi tối và luôn kết thúc ca ghi hình khi trời đã về khuya khoắt.

Tôi không chắc là Hà còn giữ chiếc cà vạt màu đỏ nữa không nhưng sự run rẩy, hồi hộp ngày nào đã biến mất hoàn toàn, thay vào đó là một Đỗ Ngọc Hà đầy chất và riêng biệt. Hà giảng bài rất chắc chắn, trọng tâm về kiến thức, đa dạng về ví dụ và chuẩn mực về bài tập. Không lan man, không dài dòng, Hà dạy những gì học sinh cần học để thi. Dù không cam lòng nhưng tôi đã phải công nhận, sinh viên lớp tài năng Vật lí luôn có chất riêng không-bị-trộn-lẫn.

Đỗ Ngọc Hà
“Anh thầy lý trưởng”- bức tranh được học sinh vẽ bằng màu nước (nguồn: Facebook học sinh Vũ Công Chức)

Hơn 52k lượt theo dõi facebook, Đỗ Ngọc Hà được học sinh cả nước gọi là “anh thầy”, Hà đáng yêu nhưng chừng mực, dí dỏm nhưng thông minh, không hẳn đẹp trai nhưng rất có duyên. Cái duyên mà chỉ một “anh thầy” trẻ tuổi…chưa lập gia đình mới có.

Sẽ không hề có một thành công nào đến mà không có lí do. Khi tôi đã và đang tiễn đưa tuổi trẻ an nhàn của mình bằng những tháng ngày rong chơi bất chấp thì Hà chọn con đường gian nan gấp bội lần. Khi tôi vẫn đang thỏa hiệp tuổi 25 của mình với những cuộc cãi cọ thường ngày với sếp thì Hà đã làm chủ cuộc sống của mình. Khi tôi vẫn cứ một mực chê bai chiếc cà vạt màu đò quê mùa đó thì Hà bây giờ dù có đeo cà vạt màu gì đi nữa, học sinh cả nước vẫn yêu mến Hà như vậy, không hề thuyên giảm.

Xem thêm: Thầy Đỗ Ngọc Hà hướng dẫn xây dựng kế hoạch học tập cho teen lớp 11

Tải ứng dụng HOCMAI

HOCMAI miễn phí nhiều khóa học bổ trợ – đề thi thử – phương án học tập và ôn luyện bứt phá 9+ đanh cho học sinh lớp 1-12. Tải & hoàn thành đăng ký tài khoản để nhận ngay những khóa học bổ trợ miễn phí!